Review Tiếng Gõ Ở Căn Nhà Gỗ (Knock at the Cabin): bộ phim kinh dị của M. Night Shyamalan tiếp tục là một câu chuyện với ý tưởng độc đáo, với ngân sách khiêm tốn, khai thác những nỗi sợ trong tâm trí và lần này hơi khác một chút khi anh tham vọng đem đến cái nhìn lớn hơn về nhân loại.
Tuy nhiên bộ phim Tiếng Gõ Ở Căn Nhà Gỗ vẫn sẽ không khiến người hâm của anh từ The Sixth Sense hài lòng và tiếp tục được xếp vào chuỗi những bộ phim kinh dị trung bình khác mà anh đã làm trước đó. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết The Cabin at the End of the World của Paul Tremblay, một câu chuyện đậm chất văn học nên dù đã khéo léo tạo nên các mâu thuẫn và căng thẳng thì bộ phim vẫn giống như một buổi tọa đàm của những người có quan điểm khác nhau về tận thế.
Nội dung của Tiếng Gõ Ở Căn Nhà Gỗ
Tiếng Gõ Ở Căn Nhà Gỗ bắt đầu khi một gia đình nhỏ ba người với cô con gái nuôi người Mỹ gốc Hoa tên là Wen (Kristen Cui) cùng hai người bố đồng giới của mình là Eric (Jonathan Groff) và Andrew (Ben Aldridge) có kỳ nghỉ nhỏ tại một ngôi nhà gỗ hẻo lánh. Trong khi đang dạo chơi và bắt châu chấu, Wen đã kết bạn với Leonard (Dave Bautista), một người đàn ông kỳ lạ, chia sẻ về những dự định buồn bã của anh với cô bé.
Khi Wen vội vã về ngồi nhà và kể lại cuộc gặp này với hai người bố của mình thì ngay lập tức Leonard và nhóm cộng sự gồm 3 người khác đã tìm đến ngôi nhà. Bất chấp những lời từ chối khéo léo từ nhẹ nhàng đến khó chịu thì nhóm 4 người này vẫn kiên quyết tìm mọi cách để vào ngôi nhà và trấn áp gia đình Wen và sau đó yêu cầu cả ba làm một chuyện vô cùng tàn nhẫn nhằm cứu lấy nhân loại.
Tiếng Gõ Ở Căn Nhà Gỗ ý tưởng độc đáo nhưng không phải là câu chuyện giải trí hấp dẫn
Câu chuyện của Tiếng Gõ Ở Căn Nhà Gỗ gợi nhớ đến Funny Games của Michael Haneke, tuy nhiên những vị khách đột ngột ở đây không đến vì niềm vui thú, mà thiên nhiều về màu sắc tâm linh khi họ mang một trọng trách lớn hơn của nhân loại. Mỗi người đều có một câu chuyện khác nhau, nó vừa chân thật nhưng cũng khá mơ hồ đối với gia đình Wen. Người xem có thể nhận ra sự vụng về của cả 4 nhân vật kỳ lạ tìm đến căn nhà từ hành động cho đến cách biểu đạt cảm xúc.
Và đây cũng là điểm yếu của Tiếng Gõ Ở Căn Nhà Gỗ, bộ phim lựa chọn một màu sắc chính và thiếu một chút sự gian trá, hồ nghi thành thử các âm mưu trở nên thiếu kịch tính, tranh đấu thật sự. Nó khiến sự đối trọng của nhân vật Andrew với phần còn lại quá chênh lệch và hơi miễn cưỡng.
Các phân cảnh kinh dị trong Tiếng Gõ Ở Căn Nhà Gỗ thiên về sự liên tưởng trong tâm trí, ban đầu nó ấn tượng nhưng việc lặp đi lặp lại phong cách này khiến bộ phim bỏ lỡ những cảm xúc căng thẳng với người xem. Và các cuộc nói chuyện cũng vậy, lặp đi lặp lại, cùng chuỗi sự kiện của 4 nhân vật đều được xử lý gần giống nhau khiến nhịp điệu bộ phim bình bình hoặc cao trào lúc mở đầu rồi sau đó thì giảm dần đi.
Tiếng Gõ Ở Căn Nhà Gỗ sử dụng một câu chuyện nhỏ để gửi gắm một thông điệp lớn hơn đến nhân loại, khi họ luôn được cảnh báo trước những mối nguy hiểm về một thế giới tận thế, nhưng việc nghĩ ngợi về điều đó đối với họ thật sự không quá quan trọng, những điều trước mắt, cuộc sống hiện tại vẫn là lựa chọn được ưu tiên. Với thông điệp gửi gắm rằng sự sống của nhân loại cần một chút hi sinh, M. Night Shyamalan đã cố gắng xử lý tốt mọi thứ nhưng nó không thật sự chạm vào người xem một lần nữa.
- Review Babylon: câu chuyện về những con thiêu thân say mê ánh sáng
- Review Vong Nhi: một bộ phim kinh dị, tuyên truyền về nạn nạo phá thai