Từ việc “Đất rừng phương Nam” bị chỉ trích “sai lệch lịch sử”, giới chuyên môn cho rằng các nhà làm phim cần hiểu rõ biên độ sáng tạo ở thể loại này.
Đất rừng phương Nam gây tranh cãi với các tình tiết bị cho sai lệch lịch sử khi nâng tầm vai trò của một số hội nhóm kháng Pháp đầu thế kỷ 20. Êkíp phải chỉnh lại một số câu thoại, tên Nghĩa Hòa đoàn được chỉnh thành Nam Hòa đoàn, Thiên Địa hội thành Chính Nghĩa hội, trong các bản chiếu rạp, ngày 16/10.
Sự thay đổi này nhằm tránh cho người xem liên tưởng đến hai hội nhóm thời nhà Thanh Trung Quốc. Qua một số tài liệu lịch sử, phong trào yêu nước kháng Pháp của Thiên Địa hội có diễn ra ở miền Nam, song kết thúc vào năm 1916. Phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lấy bối cảnh vào thập niên 1920-1930, cải biên so với truyện (1945) của nhà văn Đoàn Giỏi.
Ông Phi Tiến Sơn – đạo diễn Đào, phở và piano, phim về Hà Nội thập niên 1940 – nhận định có lẽ nhà sản xuất Đất rừng phương Nam chủ quan, chưa tìm hiểu kỹ mốc thời gian. Theo ông, nếu cẩn thận hơn, đoàn phim có thể sử dụng tên khác để gọi hội nhóm hư cấu, hoặc không cần nêu rõ tên. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá nếu việc đổi tên được thực hiện từ đầu, đã không có tranh cãi.
Sự việc nêu lại vấn đề: Yếu tố lịch sử cần được tôn trọng ở mức độ nào trong phim hư cấu?
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – cho rằng với dòng phim này, khán giả thường chia thành hai hướng. Với người coi trọng chất nghệ thuật, lịch sử chỉ được xem là cái cớ, sự kiện, là “cái đinh để móc chiếc áo nghệ thuật”. Ngược lại, có những người đề cao tính chân thực, muốn nhà làm phim phải tôn trọng tối đa dữ kiện, bối cảnh. “Cả hai quan điểm đều có lý lẽ riêng. Nhà làm phim tốt nhất nên kết hợp cả yếu tố nghệ thuật và lịch sử để tác phẩm hài hòa, chân thực”, ông Sơn nói.
Theo các chuyên gia, nhà làm phim cần cẩn trọng, xem xét kỹ mục đích khi hư cấu lịch sử.
Trước khi thực hiện dự án điện ảnh liên quan yếu tố lịch sử, nhà làm phim cần trả lời được câu hỏi: Mục đích lựa chọn bối cảnh này để làm gì? Vì sao cần hư cấu? Liệu việc đó có ảnh hưởng đến ký ức tập thể về bối cảnh hay không?
Tiến sĩ lý luận văn học và biên kịch Đào Lê Na nhận xét ở Đất rừng phương Nam, khán giả thấy sự nổi bật của người Hoa trong vai trò dẫn dắt các phong trào yêu nước – điều này xung đột với ký ức và thông tin họ biết được về vùng Nam bộ giai đoạn đó.
“Nếu nhà làm phim muốn truyền tải tinh thần yêu nước của người Nam bộ từ tác phẩm văn học và phim truyền hình, thì phải đẩy mạnh những yếu tố có màu sắc này trong phim”, bà Đào Lê Na nói.
Ngoài ra, người làm phim cần đặt cái tâm khi tìm hiểu, lựa chọn thông tin phù hợp trên cơ sở thông điệp muốn truyền tải. “Nếu đoàn phim nhận thấy đó là chi tiết dễ gây ra những cách hiểu khác về lịch sử thì nên tránh”, Phi Tiến Sơn nêu quan điểm.
Biên kịch có thể tận dụng những chất liệu mà các sử gia không ghi chép, hoặc ghi lại dựa trên những ý kiến khác nhau, để sáng tạo chi tiết mới, theo đạo diễn Phi Tiến Sơn. Những tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra trong quá khứ, sự hư cấu xuất phát từ thực tế nhưng không cần chính xác tuyệt đối.
Tương tự, ông Bùi Hoài Sơn nhận xét nhiều góc khuất lịch sử có thể trở thành không gian để nhà làm phim sáng tạo.
Trong tác phẩm điện ảnh, mọi chi tiết thể hiện văn hóa, lịch sử đều cần được tham khảo ý kiến đội ngũ chuyên môn. Kể cả chi tiết như phục trang của nhân vật cũng sẽ thể hiện sự chăm chút và đầu tư. Ví dụ, trong Đất rừng phương Nam, hình ảnh chiếc áo vải nút ngang xuất hiện quá nhiều khiến khán giả thấy không đúng với trang phục của phần đông dân quê Nam bộ xưa. “Nếu muốn bộ phim đậm chất Việt hơn, nhà làm phim có thể cải biên những yếu tố đó cho phù hợp với câu chuyện”, theo bà Đào Lê Na.
Ông Nguyễn Vinh Sơn – đạo diễn phim truyền hình Đất phương Nam 1997 – cho biết được sự tư vấn kỹ lưỡng của nhà văn Sơn Nam – người am hiểu về vùng Nam bộ – và ban giám đốc hãng phim truyền hình TP HCM (TFS) khi ấy, như ông Phạm Khắc, Nguyễn Hồ. Khi chọn bối cảnh phim 1920-1930 (cải biên so với truyện là năm 1945), ông Vinh Sơn đặt câu hỏi: Nếu các nhân vật như An, Cò, bác Ba Bắt Rắn, bà Tư Ù phải tự đương đầu với quân xâm lược, họ sẽ sống và hành động như thế nào. Đạo diễn cũng sáng tạo những nhân vật không có trong tiểu thuyết, như ông Đạo Tưởng, bác Ba Phi. Họ tràn đầy lòng yêu nước, tự phát chống xâm lược theo cách của họ nhưng đều thất bại. Do đó, họ chờ đợi một hình thức đấu tranh khác. Khi đề xuất ý tưởng này, đạo diễn được đội ngũ cố vấn đồng lòng ủng hộ.
Cũng là cố vấn của phim điện ảnh Đất rừng phương Nam, ông Nguyễn Vinh Sơn cho rằng Đất phương Nam và Đất rừng phương Nam đều là loại phim xưa (period film) chứ không phải phim lịch sử (historical film). Loại phim xưa này có thể có những yếu tố văn hóa, lịch sử, nếp sống, xã hội một thời kỳ, là chất liệu nền cho cuộc sống các nhân vật. “Khai thác các yếu tố này đòi hỏi êkíp phải nỗ lực sáng tạo, tinh thần sẵn sàng đón nhận những đánh giá, so sánh của khán giả”, đạo diễn cho biết.
Với Đất rừng phương Nam, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn nói nhà sản xuất đã tích cực cùng Cục Điện ảnh thẩm định, sửa những chi tiết gây tranh cãi. “Tôi muốn nhấn mạnh tác phẩm nghệ thuật không hoàn toàn là lịch sử. Nó giúp quá khứ trở nên sống động và gần gũi hơn. Chúng ta ủng hộ, khuyến khích những nghệ sĩ khai thác chất liệu lịch sử để sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, để lịch sử có thêm một cuộc sống mới trong xã hội hiện tại”, ông Bùi Hoài Sơn nói.
Mai Hà Linh Chi