‘Đoạn Trường Vinh Hoa’ là bộ phim tài liệu mang phong cách điện ảnh trực tiếp của đạo diễn Lê Mỹ Cường, câu chuyện, hình ảnh của phim đã khiến những buổi chiếu giao lưu tràn ngập những cảm xúc về con đường đến“vinh hoa” luôn phải trải qua những “đoạn trường”. Phim kể về những câu chuyện đằng sau sân khấu của các nghệ sĩ cải lương trong gánh hát tuồng cổ của cô Phương Ánh. Đến với cuộc đời của họ, có lẽ sẽ không ít người xem tự hỏi rằng: “Rốt cuộc niềm đam mê và tình yêu nghề phải lớn đến nhường nào thì những người nghệ sĩ này mới có thể theo nghề một cách bền bỉ và nhiệt huyết như vậy?”.
Là những ông hoàng – bà chúa mang lời ca tiếng hát của mình đến với khán giả ở vùng đất sông nước của miền tây Nam Bộ. Khi ánh đèn tắt đi, không còn là một nghệ sĩ ở trên sân khấu với một hình ảnh oai phong lẫm liệt, họ lại quay trở về với cuộc sống mưu sinh đời thường như những con người bình dị khác. Với nghề hát tuồng, trong một năm chỉ sáu tháng có dịp được diễn ở các miếu cổ, đình làng. Để đảm bảo cuộc sống hằng ngày cho bản thân cũng như gia đình nhỏ của mình, những người nghệ sĩ này hầu như tất cả đều phải làm thêm nghề tay trái và chật vật mưu sinh ở khắp mọi miền đất nước. Người làm thợ may, người làm ruộng, người chạy xe ôm… kẻ ở Cần Thơ, người ở Sóc Trăng, Bạc Liêu…Cứ vậy, chẳng ai ở gần ai, thế mà mỗi dịp lễ Kỳ Yên, tất cả lại gói ghém đồ đạc, trang phục biểu diễn, cùng nhau tụ họp về các Đình thần để luyện tập và biểu diễn phục vụ cho người dân. Với họ cái nghề này, không chỉ là niềm đam mê đơn thuần mà còn là một hình thức để trả lễ cho ông tổ nghề, cũng như mong cầu một cuộc sống bình an, đầy đủ và hạnh phúc cho những người theo nghề nói riêng và người dân nơi đây nói chung.
Nói đến cô Phương Ánh – bà bầu của gánh hát, soạn giả Nhâm Hùng thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: “Bầu Ánh là một trong những nghệ nhân hát tuồng cổ cuối cùng trên đất Tây đô này. Nếu bầu Ánh mất đi thì e rằng hát bội trên đất Cần Thơ này không còn gì để nói, mà cúng đình thì nhất định phải có nghi thức xây chầu, đại bội, mất đi phần nghi thức này thì không thể coi là một lễ cúng đình hoàn chỉnh được”.
Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ thêm: “Tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ bầu Phương Ánh, góp phần khích lệ và duy trì đoàn hát nhưng mãi không có hồi âm. May mà bầu Ánh còn giữ được khá đầy đủ đạo cụ, trang phục hát bội. Cần Thơ may mà có Ánh, Ánh mất đi thì không biết thế nào”.
Là bà bầu của gánh hát và là nhân vật chính của câu chuyện trong bộ phim Đoạn Trường Vinh Hoa, cô Phương Ánh được xem là một nghệ nhân lâu năm và là đại diện cho những người ‘con’ theo nghiệp hát tuồng cổ của gia đình. Được sinh ra ở Đồng Tháp và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hát bội, cải lương. Cha mẹ cô Phương Ánh là những người nghệ sĩ giỏi, có tài trong nghề. Em trai cô là NSƯT Chiêu Hùng và anh trai là nghệ sĩ hài Quốc Việt. Ngoài ra các dì, các cậu của cô Phương Ánh cũng là những nghệ nhân tuồng cổ có tiếng.
Được quan sát và trải nghiệm nghề từ lúc còn nhỏ, mới 10 tuổi cô đã theo cậu mình là ông bầu gánh hát bội Phước Tấn, đóng hậu cứ ở Bắc Cần Thơ. Suốt quá trình theo gánh, cô được sắm vai dâng rượu, chạy bận…rồi dần dà, tình yêu hát bội bắt đầu chớm nở và ngấm vào cô lúc nào chẳng hay. Thế rồi mãi đến năm 20 tuổi, cô Phương Ánh được một chị bầu gánh tin tưởng và giao cho vai đào chính trong tuồng “Đưa em về quê mẹ”. Và cũng từ đó nghiệp hát bội gắn liền với cô đến nay đã hơn nửa đời người. Là một nghệ sĩ vừa có tài, vừa có sắc, cô có thể diễn được nhiều vai với nhiều tính cách và câu chuyện khác nhau, từ bi đến hài, từ vai chính diện đến vai phản diện…nhưng vai diễn để lại ấn tượng nhất với khán giả nhất của cô vẫn là những vai mẹ như: Phàn Lê Huê trong Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, vai mẹ Xích Đởm trong Tiêu Anh Phụng…
Vào năm 1980 – 1990, khi nghệ thuật tuồng cổ không còn ăn khách, cô Phương Ánh đã quyết định đứng ra làm bầu sô. Đầu tiên, cô thành lập gánh hát Quê hương Đồng Tháp nhưng không lâu sau đoàn phải tan rã. Nhớ lại những tháng ngày bắt đầu, cô chia sẻ: “Nợ nần chồng chất, nhìn cảnh anh em nghệ sĩ một thời gian gắn bó với mình chịu cảnh tan đàn, chị rớt nước mắt. Ai cũng khuyên chị tìm chuyện gì làm ăn buôn bán đi, đừng theo nghề xướng ca, khổ lắm!”. Mặc dù cảm kích những lời khuyên của mọi người xung quanh dành cho mình nhưng cô vẫn muốn quyết tâm gìn giữ nghệ thuật truyền thống mà ông cha để lại. Không nản chí, cô lại tiếp tục lập đoàn Du Sĩ Ca thế nhưng tất cả cũng bị giải thể không lâu sau đó. Từ Đoàn Quê Hương Đồng Tháp đến Du Sĩ Ca, cô phải đối mặt với vô vàn khó khăn và nỗi buồn vì những thăng trầm của cuộc sống. Nợ nần, đói khổ, nhìn những người anh em nghệ sĩ từng gắn bó với mình ly tán khắp nơi để mưu sinh, thời điểm dường như tất cả gian nan đều ập đến để khép lại con đường phía trước vậy mà lại không thể thắng nổi tình yêu của cô với nghề hát bội.
Năm 2004, ngay khi kinh tế vừa ổn định trở lại, cô liền về Cần Thơ tập hợp các anh chị em nghệ sĩ và thành lập Câu lạc bộ tuồng cổ Phương Ánh, trực thuộc Trung tâm Văn hoá quận Bình Thuỷ. Một gánh hát chuyên biểu diễn vào những dịp lễ cúng ở các đình miếu trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long được duy trì đến bây giờ. Nói về những khó khăn trong hành trình theo nghề của mình, cô tâm sự: “Nghỉ hát thấy trong lòng bứt rứt lắm, muốn bệnh luôn. Tối mà được hóa trang, mặc áo mão lên sân khấu diễn là thấy khỏe khoắn”.
Là một nghệ sĩ theo nghề 40 năm, gần nửa đời người, vậy mà ở tuổi 64, cái tuổi cần được nghỉ ngơi, an dưỡng, cô Phương Ánh vẫn luôn mang trong mình một tình yêu tha thiết với những tấm màn nhung, ánh đèn sân khấu cũng như những lời ca thấm đẫm cảm xúc trong từng tác phẩm. Cô vẫn luôn nhắc đến sân khấu và hát bội với một sự yêu quý, kính trọng và lòng quyết tâm giữ gìn truyền thống nghệ thuật này.
Trong một lần lên sóng VTV3 ở chương trình “Cà phê sáng” được chiếu vào ngày 20/10, lúc người dẫn chương trình hỏi rằng, cực và khổ đến như vậy có bao giờ cô có định bỏ nghề hát không. Bằng một sự mộc mạc, dân dã của người phụ nữ Nam Bộ, cô vẫn thẳng thắn trả lời: “Không. Tính gì thì tính chớ cô không bao giờ tính chuyện bỏ nghề”.
Đến với Đoạn Trường Vinh Hoa và theo chân gánh hát, ngoài bà bầu Phương Ánh, khán giả còn được gặp gỡ và thưởng thức giọng ca ngọt ngào cũng như hình ảnh oai phong tráng lệ của cô Phương Anh. Là con gái duy nhất của cô Phương Ánh và là một nghệ sĩ tài năng, dù đã ở tuổi tứ tuần và đang sinh sống lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng mỗi khi đến dịp, cô lại về diễn cho gánh hát của mẹ với vai trò là một đào chính của gánh hát. Trong phim, mỗi khi khi lên sân khấu cô Phương Anh như một bà hoàng sống thực trong vai diễn của mình nhưng chỉ ngay khi bức màn vén xuống, cô lại trở về với một hình ảnh dân dã, bình dị hơn bao giờ hết. Tuy vậy, có lẽ vì tình yêu với nghề quá lớn nên ngay cả trong những hình ảnh đời thường nhất, người xem vẫn cảm nhận được niềm đam mê ca hát trong cô. Chia sẻ về quá trình theo nghề truyền thống, cô Phương Anh bày tỏ: “Đời nghệ sĩ lắm truân chuyên, nhưng gánh hát duy trì là tâm huyết của mẹ nên tôi sẽ cố gắng giữ gìn nghiệp tổ. Sau này, con tôi muốn theo nghề hát bội, tôi cũng khuyến khích”.
Sau một thời gian rong ruổi khắp nơi ở 3 thành phố Hà Nội, Cần Thơ & Sài Gòn, với mong muốn đưa bộ phim chạm đến nhiều người xem hơn nữa. Đến nay, ekip đã nhận được sự tài trợ của nhà phát hành BHD và sẽ tiếp tục ra mắt khán giả thông qua những suất chiếu giới hạn, tại các cụm rạp BHD STAR bắt đầu từ ngày 13.11.2020. Được biết, toàn bộ lợi nhuận thu về từ bộ phim sẽ được dành tặng cho cô Ba cùng các thành viên trong đoàn tuồng cổ Phương Ánh nhằm tạo cơ hội thúc đẩy cũng như phát triển và giữ gìn bộ môn nghệ thuật này.
Link đặt vé Đoạn Trường Vinh Hoa: https://www.bhdstar.vn/movie/HO00002200/