Review Anh Hùng Bàn Phím (Troll Factory) bộ phim Hàn Quốc khai thác những vấn đề tiêu cực trong truyền thông, đặc biệt việc thao túng cộng đồng mạng xã hội trực tuyến. Mức độ chân thật được đề cập trong phim khá cao và những dòng chữ “hư cấu” đầu phim được sử dụng nhằm tránh suy diễn dẫn đến một trách nhiệm pháp lý cụ thể nào đó.
Phim có nhịp độ nhanh, những lời dẫn truyện khá nhiều, hơi có cảm giác văn học nhưng nó làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Anh Hùng Bàn Phím (Troll Factory) tạo ra nhiều góc nhìn khác nhau và ngay cả người xem cũng là một phần trong câu chuyện khi cuối cùng bạn là người đưa ra lựa chọn cho sự thật mà mình muốn tin.
Nội dung của Anh Hùng Bàn Phím (Troll Factory)
Anh Hùng Bàn Phím (Troll Factory) dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên được viết bởi tác giả Jang Kang Myeong, trở thành một cựu phóng viên sau vụ can thiệp bầu cử bất hợp pháp của Cơ quan Tình báo Quốc gia năm 2015. Nội dung xoay quanh Im Sang Jin (Son Suk Ku), một phóng viên đã bị đình chỉ sau khi vạch trần nghi ngờ hành động sai trái của tập đoàn lớn Manju. Cuộc đời anh rơi vào khủng hoảng khi bị mọi người chỉ trích và sự nghiệp đình trệ.
Vào thời điểm đó một lời nhắn khiến anh bận tâm và lôi kéo được sự quan tâm của Im Sang Jin. Điều này có thể là một bằng chứng quan trọng để chống lại tập đoàn Manjun giúp anh có được tin tức sốt dẻo và lấy lại mọi thứ đã mất. Tuy nhiên cuộc gặp mặt với người cung cấp thông tin này khiến anh đặt câu hỏi về những gì trước giờ mình đã tin tưởng.
Review Anh Hùng Bàn Phím (Troll Factory): Lời nói dối trộn lẫn với sự thật có vẻ thật hơn 100% sự thật
Anh Hùng Bàn Phím (Troll Factory) có một cách kể chuyện khá thông minh vậy nên xuyên suốt bộ phim không chỉ nhân vật chính Im Sang Jin (Son Suk Ku) mà ngay cả người xem cũng rơi vào ranh giới của những lời nói dối và sự thật mà bộ phim đang kể.
Ngay từ những dòng dẫn truyện đầu tiên của bộ phim cũng trộn lẫn từ những sự kiện có thật và hư cấu. Như sự kiện năm 2016 người dân Hàn Quốc đổ xô xuống đường biểu tình với cây nến trên tay; hay sự kiện tổng thống Park Geun Hye bị ép xin lỗi và từ chức; sự kiện về một sự cố sóng vô tuyến của đối thủ cạnh tranh bị nhiễu; bộ phim đã phát hành bị lỗ do gây tranh cãi về việc không trả lương cho nhân viên; và nhân vật ‘Angma’, người đầu tiên đề xuất một buổi thắp nến biểu tình năm 2002 cũng được lấy từ đời thật.
Tuy nhiên tất cả những điều này được trộn lẫn với rất nhiều tình huống hư cấu, các nhân vật hư cấu và cả những suy diễn tưởng tượng từ các nhân vật cho nên nó khiến mọi thứ luôn được đặt giữa ranh giới giữa sự thật và dối trá. Để tăng cảm giác mơ hồ, sự nghi ngờ đạo diễn đã đặt những góc nhìn khác nhau dưới 2 mạch truyện đan xen: câu chuyện đi tìm sự thật của phóng viên Im Sang Jin và nhóm những người trẻ bước vào thế giới đen tối thông qua việc thao túng bình luận.
Sự châm biếm được dàn dựng khéo léo trong phim thực sự đã phản ánh phần lớn những điều đang diễn ra. Bao gồm cách xã hội nhìn nhận “giregi”, một sự kết hợp mang tính xúc phạm giữa các từ trong tiếng Hàn có nghĩa là “phóng viên” và “rác rưởi” để bày tỏ sự tức giận và thất vọng trước việc các phóng viên viết những câu chuyện độc hại, dối trá hoặc câu view… Bên cạnh đó câu chuyện của những thanh niên thao túng bình luận cũng bị xem là những đứa trẻ không học thức, bị dằn vặt giữa các giá trị đạo đức bình thường…
Các tình huống được sử dụng để thao túng mạng xã hội diễn ra trong Anh Hùng Bàn Phím (Troll Factory) đều đem đến một sự tin tưởng khá lớn, đặc biệt là những ai quan tâm đến truyền thông Hàn Quốc. Từ những sự kiện quan trọng bị nhấn chìm trong các tin tức tranh cãi từ giới giải trí, quảng cáo phi đạo đức, cách mà mạng xã hội có thể khiến một người nổi tiếng cho đến việc đẩy họ xuống bằng những lời phỉ báng,… ngay cả những cách thức này không phải không được sử dụng chỉ là mọi thứ luôn dừng lại ở sự suy diễn, không có chứng cứ.
Đạo diễn Gook Jin Ahn, người chịu trách nhiệm biên kịch và chỉ đạo chia sẻ rằng: “Ngay từ lần đầu tiên tôi tiếp cận bộ phim Anh Hùng Bàn Phím (Troll Factory) và sau khi hoàn thành nó, tôi nghĩ thật khó để nói rằng những điều này không đúng vì không có bằng chứng, hay nó đúng vì có cảm giác như nó thật sự tồn tại”. Đó cũng là câu trả lời cho cái kết của bộ phim.
Diễn xuất của dàn diễn viên Son Suk Ku và 3 bạn trẻ Kim Sung Cheol, Kim Dong Hwi, Hong Kyung trong Anh Hùng Bàn Phím (Troll Factory) đều khá gây ấn tượng, tạo cảm giác cân bằng hoàn hảo cho ranh giới mà bộ phim muốn xây dựng.
Anh Hùng Bàn Phím (Troll Factory) hiện đang phát hành tại các rạp trên toàn quốc.