Trong hàng tá các thể loại điện ảnh, thì có lẽ phim tài liệu là một loại hình nghệ thuật ít được chú trọng nhất, tuy rất thiết yếu, nhưng lại bị xem nhẹ. Vì phim tài liệu đơn thuần chỉ là ghi lại những sự kiện có thật, quan sát những câu chuyện, hành vi của người và vật, hay đào sâu vào câu chuyện có đầy tính chuyên môn học thuật… Mọi người nghe thôi cũng đã phần nào dè chừng, ngán ngẩm nếu quyết định sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình cho việc giải trí bằng phim tài liệu.
Đó là những vấn đề chung của cả ngành phim tài liệu thế giới. Và ở Việt Nam, phim tài liệu là một góc chơi rất riêng của các nhà đài lớn. Trong công cuộc đưa thông tin đến khán giả, những phim tài liệu vốn tốn rất nhiều công sức và thời gian này chỉ có thể làm được vì nguồn tài nguyên lớn của nhà đài. Nhưng càng về sau, vì sự “độc quyền” này, đã ngày càng hình thành một khuôn mẫu trong khái niệm của người xem Việt Nam về phim tài liệu. Một cái khuôn quá quen thuộc đi quanh quẩn: phỏng vấn, lời bình, thông tin và thực trạng…
Vì vậy mà cũng chính từ VTV, nơi đã giới thiệu một bộ phim phóng sự dài 50 phút, không một lời bình, không quá nhiều thông tin và còn không theo cái khuôn mẫu truyền thống, nhưng làm khán giả nghẹn lời trong từng khung hình, trầm ngâm mãi sau khi câu chuyện kết thúc. Đó là bộ phim tài liệu điện ảnh trực tiếp Đoạn Trường Vinh Hoa.
Đoạn Trường Vinh Hoa đã được đưa đi công chiếu giới hạn tại một số địa điểm ở Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ và đã nhận được vô vàn những phản hồi tích cực trước khi được lên sóng VTV đặc biệt. Một bộ phim tài liệu độc đáo và mới mẻ đến từ những con người làm phim trẻ.
Cách truyền tải câu chuyện đột phá bằng phim tài liệu
Đầu tiên khi nghe tên phim Đoạn Trường Vinh Hoa, là phim tài liệu, người ta ắt sẽ hình dung ngay đến gì đó buồn lắm. Tìm hiểu thêm một chút, sẽ biết phim này nói về những gánh hát cải lương ở miền Tây sông nước. Cả hai gộp lại, chắc sẽ lại là một tình trạng gì đó của những gánh hát cải lương ở miền Tây đang chết dần chết mòn, cũng đúng luôn. Kiểu này VTV với mấy kênh khác làm hoài, hình như ngành nghệ thuật nào cũng có và hình như cũng đã xem qua nhiều… Nhưng đạo diễn Lê Mỹ Cường lại kể tất cả những điều đó, bằng một cách rất khác. Chỉ đơn thuần qua cảm xúc của những nhân vật chính.
Những phân cảnh trong phim hầu như không có sự tham gia của ekip, mọi người đều im lặng, không hỏi nhiều, không cần nhân vật phải liên tục trả lời câu hỏi, trình bày về hoàn cảnh của mình dưới nền hình ảnh đan xen hình ảnh, mà lần này, họ chỉ quan sát, thấu hiểu và ghi lại… Để từng cử chỉ, hành động, lời nói, tình yêu tâm tình với cải lương, với nghề và với những thành viên trong “gia đình” gánh hát, tự kể lại câu chuyện của mình.
Phương pháp này đã chứng tỏ sự hiệu quả, khi khán giả có thể ngay lập tức có cảm tình với nhân vật chính, cô đào chánh của đoàn Phương Ánh (chị Hai) lúc cô ngồi “lai rai” rồi góp ý theo cái kiểu thẳng thừng miền Tây “có gì nói đó” với bạn diễn của mình. Sự thẳng tính, những chia sẻ chuyên nghiệp của cô trong bối cảnh hoang tàn, sập xệ phía sau sân khấu làm người xem có chút bất ngờ nhưng yêu mến. Những lời nói thật tuy có khó nghe, nhưng lại mang sự chân thành từ tận tấm lòng vì mến nhau muốn giúp đỡ nhau cùng đi lên nên cô mới nói… Đây được xem là một trong những khung cảnh đáng nhớ và là màn dạo đầu cho những khung cảnh buồn rượi khác.
Sự lay động cảm xúc dồn dập này là nhờ cách làm phim tài liệu trực tiếp (direct cinema). Đây là một phong cách không còn mới, xuất hiện năm 1960 và đã làm mưa làm gió trên thị trường phim tài liệu kinh điển như Primary, phim tài liệu về vị tổng thống xấu số Kenedy hay The Act Of Killing, làm khuấy động hàng loạt giải thưởng. Phong cách làm phim tài liệu trực tiếp, cốt lõi là show not tell (cho xem chứ không kể) làm triết lí thực hiện nên những thước phim. Bằng cách chỉ ghi lại sự kiện một cách chân thật nhất, đúng nhất với bản chất của nó và… ở tại đó không có bất kì sự can thiệp nào. Một phương pháp giúp nhà làm phim có thể mang đến cho khán giả sự thấu hiểu, quan tâm, đồng cảm với nhân vật trong các lớp tâm lý sâu kín nhất mà không một loại phim tài liệu nào có thể làm được.
Một phong cách khó, rất khó mà các nhà làm phim ít thực hiện được trong các bộ phim tài liệu của mình. Vậy mà đạo diễn Lê Mỹ Cường và người bạn đồng hành Thanh Nguyễn – đồng biên đạo dự án đã dám làm. Cả hai tận dụng phong cách đó tuyệt vời hơn bao giờ hết để kể một bộ phim tài liệu mang chất điện ảnh với câu chuyện với đầy đủ 3 hồi nhiều bất ngờ và sâu lắng. Đoạn Trường Vinh Hoa đã tạo được một thế giới mà khán giả có thể hoà mình vào với những mảnh đời hiu quạnh trong phim. Điều này đòi hỏi phải bỏ một công sức cực kì lớn đi cùng sự kiên trì, bền bỉ, kèm một chút “điên” nữa…
Những người trẻ đủ “điên” để đột phá
Như đã nói ở trên, phim tài liệu là một góc chơi rất riêng của các nhà đài lớn và ở đây là VTV – Một trong những cơ quan truyền thông lớn nhất nước. Mà đã là một cơ quan nhà nước tầm vĩ mô, họ luôn có một khuôn mẫu an toàn để sử dụng mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả. Đoạn Trường Vinh Hoa thì lại đi ngược lại: Một kiểu kể chuyện mà người làm phim tài liệu tại Việt Nam ít người dám kể, khi đề cập đến những con người tầm thường với những câu chuyện cũng không quá đặc sắc, hay là không có kế hoạch thời gian cụ thể gì cả…
Vậy mà đạo diễn Lê Mỹ cường lại thuyết phục thành công VTV tài trợ cho mình xuống tận một góc miền Tây hẻo lánh để ghi lại hành trình này, một tiền lệ chưa từng có. Tất cả chỉ bắt đầu từ một cảm giác khi anh thích thú với bức hình về đoàn cải lương rồi cứ thế sống chết lao vào làm phim về họ.
Một thanh niên Hà Nội ất ơ lao xuống giữa miền Tây lạ lẫm, lạ từ văn hóa, cách sống cho tới cách giao tiếp, lang thang một hồi rồi mới tìm được đoàn hát Phương Ánh. Thế mà còn bị đoàn dè chừng, tưởng cũng lại xuống quay cho có như mọi đoàn trước rồi đi, còn định không cho quay. Xong đạo diễn Lê Mỹ Cường và ekip cứ chai mặt, ở ì đó 8 tháng trời. Mọi người ăn, ở, sống chung với đoàn hát để ghi lại tất cả những thước phim.
Sau thời gian sống cùng đó đã có tới hơn 100 giờ phim được ghi, rồi thì ekip phải đứt từng khúc ruột cắt còn xuống 30 giờ, rồi mới ngâm ngùi lấy ra được 50 phút với câu chuyện quan trọng nhất… và cất giữ nhưng nỗi niềm riêng tư cá nhân khác về cuộc đời của người nghệ sĩ.
Tất cả điều đó là một sự “điên rồ” cho cái bản lĩnh ngông cuồng dám nghĩ dám chơi, dám xông pha và chấp nhận khổ cực đắng cay để rồi thu về một quả ngọt. Đột phá một VTV già nua nhưng cũng đang dần chuyển mình, dần mở rộng tư tưởng hơn cho những người trẻ, những ý tưởng mới để rồi thu được thành quả đầu tiên hết sức ấn tượng. Một bước đi đầu tiên khẳng định mình của những người làm phim trẻ có thể làm được gì và sẽ làm được gì nữa. Một dấu hiệu cho sự chuyển mình của xã hội giao thoa giữa hai thế hệ nghệ thuật sang một chương mới, sáng sủa hơn, hội nhập hơn và hay hơn.
Đoạn Trường Vinh Hoa dự định sẽ được chiếu trên VTV đặc biệt nhưng do phản hồi tích cực từ các buổi chiếu giới thiệu nên rạp BHD có xin phép VTV lấy bản quyền và chiếu rạp trong 2 tuần kể từ ngày 13.11. Tất cả lợi nhuận của phim sẽ được dùng để giúp cho đoàn Phương Ánh phát triển và giữ gìn bộ môn nghệ thuật này.
Đặt vé tại: https://www.bhdstar.vn/movie/HO00002200/