Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một số tình tiết phim.
Giới thiệu nhanh về “Đợi Gì, Mơ Đi!”
“Đợi Gì, Mơ Đi!” là bộ phim Việt mới khai thác chủ đề quen thuộc: tuổi trẻ, ước mơ và hành trình đi tìm bản ngã. Thay vì chỉ xoay quanh câu chuyện của người trẻ, phim mở rộng góc nhìn bằng cách đặt song song hai thế hệ: ông Hải (NSND Thanh Nam) – người đàn ông gần 70 tuổi quyết tâm theo đuổi giấc mơ xăm mình sau khi nghỉ hưu, và Âu (rapper VSplifff) – chàng trai Gen Z nổi loạn, bất cần nhưng đang lạc lối giữa những hoài nghi và lựa chọn cuộc đời. Một vụ va chạm bất ngờ khiến hai con người tưởng như chẳng liên quan này bước vào hành trình thay đổi lẫn nhau và cùng nhau theo đuổi một giấc mơ “có một không hai”.

Hành trình bất đắc dĩ của họ vừa bi hài, vừa chất chứa nhiều suy ngẫm: người già đi tìm lại giấc mơ tuổi trẻ từng bỏ lỡ, người trẻ vẫn loay hoay không biết có nên theo đuổi ước mơ trước những thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Đặt trong bối cảnh hai con người từ hai thế hệ, cùng nhau rong ruổi trên chiếc xe cũ được “độ” lại thành một tiệm xăm di động, câu chuyện trở nên nhẹ nhàng, dễ cảm với thông điệp: ước mơ không có tuổi, chỉ có dám hay không.

Âu là người đã đồng hành cùng ông Hải thực hiện giấc mơ xăm mình còn dang dở từ tìm mặt bằng, chuẩn bị dụng cụ, tuyển thợ đến vượt qua không ít biến cố như bị lừa tiền, hay vấp phải sự ngăn cản từ chính gia đình ông. Là cựu chủ tịch phường, có con trai làm công an, việc ông quyết định mở tiệm xăm từng bị xem là “kỳ quặc”. Thế nhưng với sự giúp sức của Âu, ông Hải đã từng bước từng bước hiện thực hóa được tham vọng biến chiếc xe cũ thành tiệm xăm di động.
Ngược lại, chính sự từng trải, bình thản và quyết định “chơi lớn” ở tuổi xế chiều của ông Hải đã truyền cảm hứng cho Âu. Lần đầu tiên, cậu cảm nhận được niềm tin để theo đuổi rap – đam mê từng bị xem nhẹ và chưa một lần được công nhận, đến mức bản thân cũng chưa dám đi đến cùng.



Âu hiểu rằng không phải ai cũng có cơ hội làm lại từ đầu, nên khi còn trẻ, đừng để những hoài nghi bóp nghẹt ước mơ. Còn ông Hải nhận ra, đôi khi phải nhờ một người trẻ đồng hành mới thấy rằng theo đuổi điều mình thích chưa bao giờ là quá muộn. Hai hành trình tưởng chừng tách biệt, lại vô tình giao nhau và chữa lành những vết thương lòng cho nhau theo cách không ngờ tới.

Ngoài ra, khi đi sâu vào hành trình của ông Hải, khán giả mới hiểu rằng ẩn sau mong muốn “nổi loạn tuổi già” ấy là cả một quá khứ nhiều tầng lớp. Ông từng là người lính Việt Nam tham chiến tại Campuchia chống lại Khmer Đỏ. Thời ấy, giữa khói lửa, những người đồng đội của ông thường được đội trưởng xăm hình lên cơ thể như một “lá bùa bình an” – để trao gửi cho nhau niềm tin sống sót, để nhắc nhớ nhau còn phải trở về.
Nhưng không phải ai cũng trở về. Khi đồng đội lần lượt ngã xuống, những hình xăm ấy trở thành vết tích cuối cùng để nhận diện, để gửi lại cho người thân một phần ký ức còn sót lại. Với ông Hải, những hình xăm không chỉ là chuyện thẩm mỹ, mà còn chất chứa trong đó một phần linh hồn, một phần quá khứ không dễ gì chạm lại, thứ từng ám ảnh ông mỗi khi chìm vào giấc ngủ. Đến khi về già, ông nhận ra mình đã dành trọn cuộc đời để làm tròn trách nhiệm với gia đình, xã hội, còn bản thân thì bỏ quên những ước mơ dang dở.

Hành trình xăm mình ở tuổi xế chiều, với ông, không phải sự nổi loạn mà là cách tìm lại ký ức, tìm lại chính mình, và hàn gắn những khoảng trống do thời gian và mất mát để lại. Giống như việc ông để Âu xăm chồng lên vết sẹo cũ – dấu tích về một thời súng đạn khói lửa đau thương.
Đánh giá phim
NSND Thanh Nam tiếp tục cho thấy đẳng cấp của một nghệ sĩ kỳ cựu khi hóa thân thành ông Hải – một người đàn ông từng trải, điềm đạm, trầm lặng trước những đổi thay của cuộc sống. Cách ông khắc họa nhân vật không hề phô trương, mà ngược lại, chân thực đến mức người xem dễ lầm tưởng đây là chính con người ông ngoài đời. Ông Hải là một cựu chủ tịch phường, là biểu tượng của sự chuẩn mực, nghiêm nghị, nguyên tắc. Nhưng điều thú vị là, khi về già, ông lại chọn một lối rẽ bất ngờ: mở tiệm xăm. Một lựa chọn mang hơi hướng phá cách, có phần nổi loạn, nhưng vẫn rất người bởi đó là cách ông tiếp tục sống đúng với mình, theo đuổi tự do và đam mê dù đã ở cái tuổi mà nhiều người cho là “không phù hợp với mấy cái nghề giới trẻ này”.

NSND Thanh Nam không diễn như thể đang đóng vai – ông chỉ đơn giản sống cùng nhân vật. Sự từng trải, chất đời, đôi lúc là ánh nhìn bất cần, nhưng sâu thẳm vẫn là một tấm lòng ấm áp, biết thấu hiểu và yêu thương. Ông Hải trở thành điểm tựa cảm xúc của cả bộ phim – một nhân vật vừa hài hước, vừa lặng lẽ và có phần hơi khắc khổ, mang đến nét đời rất thật và cũng rất đẹp. Giống như chính NSND Thanh Nam ngoài đời, một người nghệ sĩ không chọn an dưỡng, mà vẫn tiếp tục miệt mài trên con đường nghệ thuật, với tất cả sự chính trực và say mê không hề phai nhạt theo năm tháng.
Ở chiều ngược lại, VSplifff dù còn ít kinh nghiệm trong điện ảnh nhưng mang lại nguồn năng lượng mới mẻ cho nhân vật Âu. Cách anh thể hiện hình ảnh một cậu trai trẻ bất cần, bốc đồng nhưng cũng đầy tổn thương là điểm cộng giúp phim chạm được tới đúng đối tượng khán giả Gen Z. Nói một cách thẳng thắn hơn là hình tượng Âu chính là hình tượng Gen Z bao hàm tất cả những điểm tiêu cực mà truyền thông vẫn thường nhắc nhớ.

Tuy nhiên, điểm trừ cũng nằm ngay ở vai Âu. Dù VSplifff làm tốt phần ngoại hình, thần thái, nhưng cảm xúc nhân vật chưa đa dạng, biểu cảm dễ rơi vào một màu. Lời thoại dành cho Âu cũng bị nhồi nhét khá nhiều tiếng lóng Gen Z, từ ngôn ngữ mạng đến triết lý tuổi trẻ, khiến nhân vật đôi khi bị “gồng” quá mức, thiếu tự nhiên. Điều này khiến những đoạn tâm sự, dù nhiều ý hay, lại vô tình trở nên nặng nề và hơi lên gân. Điều này cũng dễ hiểu với một diễn viên mới như VSplifff , tuy nhiên với một dự án thương mại, tin chắc nhân vật Âu sẽ gây tranh cãi ít nhiều và không được lòng khán giả. Ngoài ra do sự xây dựng và kết nối của nhân vạt chưa sâu nên ở đoạn kết, khá ngải cũng ít nhièu khôg bắt được mạch cảm xúc với nhân vật này.
Bên cạnh hai gương mặt chính là NSND Thanh Nam và VSplifff, bộ phim còn quy tụ dàn diễn viên phụ quen thuộc như NS Bích Hằng, Trần Kim Hải, Huỳnh Mai Cát Tiên, Phạm Nhật Linh, Nguyễn Sỹ Hậu, Trần Phong, NS Trung Lùn… Họ góp phần tạo nên một thế giới nhân vật gần gũi, đầy tình cảm và đậm chất Việt, đồng thời phản ánh rõ hơn những khoảng cách thế hệ, định kiến xã hội hay hành trình chữa lành trong câu chuyện. Tuy nhiên, đáng tiếc là các tuyến nhân vật này chưa được khai thác đủ chiều sâu để phát huy hết vai trò của mình, khiến họ đôi khi chỉ dừng lại ở vai trò điểm xuyết thay vì thực sự trở thành chất xúc tác cho sự phát triển cảm xúc của bộ phim.
Dàn nhân vật xoay quanh Âu như nhóm bạn cùng đam mê âm hình xăm, chơi nhạc Rap, đóng vai trò hỗ trợ cả Âu lẫn ông Hải trong việc biến giấc mơ thành hiện thực từ mở tiệm xăm đến rap trên sân khấu. Họ là những “đồng đội” thầm lặng, nhưng lại chưa có đủ đất diễn để tạo dấu ấn. Thay vì được phát triển như những điểm tựa tinh thần hoặc chất xúc tác cho quá trình trưởng thành của Âu, các nhân vật này thường chỉ hiện diện như phông nền, chưa đủ chiều sâu để khiến người xem đồng cảm hay nhớ mặt gọi tên.



Gia đình ông Hải cũng là một tuyến quan trọng bị bỏ lỡ. Con trai ông một cán bộ công an mang sự ngần ngại và xung đột nội tâm khi cha mình đột ngột rẽ hướng sang một lối sống mà anh cho là “lệch chuẩn”. Người vợ tưởng chừng phản đối lại hóa ra chỉ lo ông khơi dậy ký ức đau thương thời chiến. Những chi tiết này mang tiềm năng cảm xúc rất lớn, nhưng phim lại làm chưa thể chạm đến cảm xúc khán giả, chỉ dừng ở vài phân cảnh ngắn hoặc thoại giải thích, khiến mâu thuẫn nội tâm của ông Hải cũng ít nhiều bị giảm bớt sức nặng.



Điều đáng tiếc không nằm ở chỗ các vai phụ gây khó chịu, họ đã cố gắng hết sức có thể để đem lại màu sắc cho bộ phim, mà ở việc họ có thể là những chiếc gương phản chiếu sâu sắc hơn hành trình phá vỡ định kiến và tìm lại bản thân của cả Âu lẫn ông Hải. Nếu được đầu tư đúng mức, những nhân vật bên rìa ấy sẽ không chỉ bổ sung màu sắc cho câu chuyện, mà còn là nơi làm nổi bật nhất sự đổi thay âm thầm nhưng mãnh liệt của hai thế hệ.
Tóm lại, dàn vai phụ trong Đợi Gì, Mơ Đi! tuy không lệch tông hay thừa thãi, nhưng lại chưa được đầu tư đúng mức, một thiếu sót đáng tiếc trong một bộ phim vốn đặt trọng tâm vào cảm xúc và hành trình trưởng thành.
Xét về tổng thể, Đợi Gì, Mơ Đi! là một tác phẩm mang màu sắc mới lạ trong mặt bằng phim Việt ở thời điểm ra mắt, khi khai thác những đề tài khá độc đáo: rap, hình xăm và góc nhìn về giấc mơ, đam mê giữa các thế hệ. Tuy nhiên, để nói ngắn gọn thì đây là bộ phim ra mắt… sai thời điểm. Những chất liệu từng gây tò mò hoặc tranh cãi như rap, hình xăm, bối cảnh hậu Covid-19 nay đã không còn đủ sức hút. Khán giả trẻ đã quá quen thuộc với các chương trình như Rap Việt, King of Rap; xã hội cũng đang dần gác lại những bất an hậu dịch bệnh để hướng tới giai đoạn phát triển mới tích cực hơn.
Bên cạnh đó, chính những yếu tố đặc trưng như hình xăm hay nhạc rap lại chưa được khai thác tối đa trong phim. Dù đây vốn là chất liệu rất tiềm năng để vừa phát triển câu chuyện, vừa tạo bản sắc riêng cho tác phẩm, nhưng cách thể hiện còn khá an toàn, chưa thực sự nổi bật hay đủ chiều sâu để để lại dấu ấn mạnh. Đặc biệt, phần âm nhạc dù không tệ, thậm chí có vài khoảnh khắc ấn tượng, nhưng tiếc là chưa tận dụng triệt để để trở thành “cầu nối” giúp phim lan tỏa nhiều hơn, nhất là khi rap vốn đang là một dòng nhạc dễ dàng tiếp cận và tạo hiệu ứng với giới trẻ.
Thế nên dù phim không hề tệ như một số phản hồi nặng nề từ khán giả, nhưng ê-kíp dường như đã lỡ chuyến tàu để Đợi Gì, Mơ Đi! trở thành một tác phẩm thực sự nổi bật tại thời điểm hiện tại.
Những nhắn gửi thay cho lời kết
Sau tất cả, Đợi Gì, Mơ Đi! vẫn giữ được tinh thần tích cực, dễ cảm mến, với thông điệp nhân văn về những ước mơ chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu, bất kể tuổi tác hay quá khứ. Tuy nhiên, điểm yếu lại nằm ở phần kịch bản và cách triển khai còn thiếu chiều sâu, khiến câu chuyện chưa đủ sức để khắc sâu trong lòng khán giả.
Cũng dễ hiểu khi đây là dự án điện ảnh đầu tay của đạo diễn phim. Những hạn chế về kinh phí và kinh nghiệm phần nào khiến bộ phim chưa thể phát huy hết tiềm năng ý tưởng. Dẫu vậy, đây vẫn là một nỗ lực đáng ghi nhận, như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng về hành trình trưởng thành và khởi đầu cho những bước tiến sau này của ê-kíp trẻ.
Lúc mọi người đọc bài viết này, có thể Đợi Gì, Mơ Đi! đã rời khỏi rạp chiếu. Nên là, thay vì mục đích “gợi ý xem phim” hay “kêu gọi khán giả”, những dòng này đơn giản chỉ như một cái vỗ vai dành cho ê-kíp – những người trẻ đã thực sự dám làm, dám thử. Dẫu còn nhiều hạn chế, dẫu chưa thể gây tiếng vang, nhưng việc hoàn thành một bộ phim chỉn chu, có góc nhìn riêng, trong giai đoạn điện ảnh Việt vẫn đang dò đường và khá nhạy cảm với những đề tài mới, đã là điều đáng trân trọng.
Hy vọng những trải nghiệm này sẽ trở thành hành trang quý giá để những tác phẩm sau được mài giũa sắc sảo hơn, để giấc mơ lần tới không chỉ được kể bằng sự chân thành, mà còn có thể thực sự chạm đến khán giả một cách mạnh mẽ và sâu sắc.