Jane Austen có lẽ là cái tên không còn quá xa lạ đối với những người yêu thích tiểu thuyết nước ngoài nói chung và quan tâm đến nền văn học Anh nói riêng. Với tài năng văn học của mình, bà đã để lại không ít tác phẩm kinh điển vượt thời gian và tạo giấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc.
Trải qua hai thế kỷ, những cuốn tiểu thuyết của Jane Austen không chỉ được tái bản nhiều lần mà còn trở thành nền tảng để các nhà làm phim khai thác và chuyển thể dưới nhiều hình thức khác nhau.
Sơ lược về nhà văn Jane Austen
Jane Austen là một nữ văn sĩ người Anh sinh ngày 16.12.1775 tại làng Steventon, Hampshire và mất vào ngày 18.07.1817 tại Winchester, Hampshire. Bà là tác giả của những tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng như: Sense and Sensibility (Lý Trí và Tình Cảm), Pride and Prejudice (Kiêu Hãnh và Định Kiến), Mansfield Park (Trang viên Mansfield), Emma, Northanger Abbey (Tu viện Northanger) và Persuasion (Thuyết Phục)...
Những câu chuyện của Jane Austen hầu hết đều được lấy bối cảnh vào thời Regency Era (Thời Kỳ Nhiếp Chính, từ năm 1795 – 1830) xoay quanh các tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Anh Quốc thời bấy giờ. Được mệnh danh là một cây bút sở hữu văn phong tuyệt kỹ trong nghệ thuật dẫn chuyện, Jane Austen thường khai thác cuộc sống của những người phụ nữ ở thế kỷ 19 với cách kể chuyện châm biếm, dí dỏm nhưng lại vô cùng sâu sắc.
Các tác phẩm của Jane Austen vừa phê phán những tiểu thuyết thiên về cảm tính trong nửa sau thế kỷ 18 vừa trở thành một phần trong quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa hiện thực văn học của thế kỷ 19.
Tính đến nay mặc dù đã trôi qua hai thế kỷ nhưng những câu chuyện mà Jane Austen để lại vẫn luôn được đánh giá cao và trở thành những cuốn tiểu thuyết văn học kinh điển vượt thời gian. Tiếng vang của bà không chỉ được lưu lại khi các tên Jane Austen trở thành một trong những tác giả vĩ đại nhất lịch sử nước Anh mà còn được thể hiện rõ nét qua việc các tác phẩm của bà đều được chuyển thể thành phim và remake lại nhiều lần.
Becoming Jane, tác phẩm dựa trên cuộc đời của nữ nhà văn Jane Austen
Becoming Jane được xem là một bức chân dung tiểu sử được đan xen khéo léo giữa sự thật và hư cấu, kể về cuộc đời của Jane Austen vào những năm 20 tuổi. Mặc dù ở trong thế giới tưởng tượng, những tác phẩm mà bà viết hầu hết đều được kết thúc bằng một cái kết đầy viên mãn khi các nhân vật nữ chính đều tìm được hạnh phúc của riêng mình và sống trọn đời bên người mình yêu.
Thế nhưng bước ra cánh cửa hiện thực, Jane Austen lại chỉ là một con người cô đơn phải trải qua những thăng trầm trong tình yêu và chưa bao giờ kết hôn. Mối tình không trọn vẹn của bà đã trở thành nguồn cảm hứng để đạo diễn Julian Jarrold làm nên bộ phim dựa trên cuốn tiểu sử Becoming Jane Austen của nhà nghiên cứu Jon Hunter Spence.
- Becoming Jane (2007) – Bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời của Jane Austen
Đến với Becoming Jane, Jane Austen đã trở thành nữ chính trong một câu chuyện tình yêu không khác gì với những tác phẩm mà bà đã tạo ra. Là một cô gái trẻ tràn đầy sức sống ở tuổi 20, thông minh, độc lập và có chứng kiến trong chuyện tình yêu, Jane Austen luôn ấp ủ ước mơ trở thành nhà văn và được kết hôn với người đàn ông làm trái tim mình rung động.
Thế nhưng, trái lại với mong muốn đó, mẹ của Jane Austen lại muốn con gái mình tìm một công việc thực tế hơn và kết hôn với cháu trai của Quý bà giàu có Gresham. Nếu đồng ý theo yêu cầu của mẹ, Jane Austen biết rằng cô sẽ tự phá huỷ khả năng sáng tạo và ý thức về giá trị bản thân của mình nên luôn cố gắng trốn tránh và từ chối mọi lời cầu hôn mà mình nhận được.
Cuộc đời của Jane Austen bắt đầu thay đổi khi cô gặp được Tom Lefroy, anh chàng luật sư không một xu dính túi nhưng có thể mang đến cho cô sự hiểu biết về trái tim, điều mà Jane Austen cần có để phát triển cho sự nghiệp viết tiểu thuyết của mình. Tuy nhiên, chuyện tình của Jane Austen và Tom Lefroy lại không mấy suôn sẻ khi gia đình hai bên phát hiện ra mối quan hệ giữa họ và tạo sức ép ngăn cản.
Tom Lefroy đã cố thuyết phục Jane Austen để chạy trốn cùng nhau, nhưng nếu bỏ đi họ sẽ mất tất cả bao gồm gia đình, bạn bè và cả tương lai. Đứng trước ngã rẽ đó, Jane Austen đã quyết định ở lại với gia đình và kết thúc mối tình đầy tiếc nuối với Tom Lefroy.
Những tác phẩm chuyển thể thành phim của Jane Austen
Sense And Sensibility (Lý trí Và Tình cảm) của Jane Austen
Được sinh ra vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, quãng thời gian mà ngay cả ở những gia đình quý tộc Anh, việc học tập đối với nữ giới cũng chỉ được xem là một nền tảng để tìm được tấm chồng như ý. Jane Austen dường như lại may mắn hơn khi được lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả nhưng lại rất coi trọng tri thức.
Cha của bà là mục sư George Austen, một người có học vấn sâu rộng và là một học giả có tiếng trong vùng. Ông thường khuyến khích các con suy nghĩ một cách độc lập và chăm đọc sách. Với con gái, ông cũng luôn khích lệ nên học hành một cách nghiêm túc để trau dồi trí tuệ. Chính vì vậy vào năm 1783, Jane Austen và chị gái Cassandra đã được gửi đến Oxford, nơi cả hai nhanh chóng bộc lộ được năng khiếu nghệ thuật của mình.
- Sense And Sensibility (1995) bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Jane Austen
- Sense And Sensibility (2008) – phim truyền hình chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Jane Austen
Nếu như Cassandra yêu thích hội hoạ thì Jane Austen lại hứng thú với việc viết văn làm thơ. Lớn lên bên nhau và cùng đi học xa nhà, cả hai như có một sự gắn kết đặc biệt khiến tình chị em giữa họ đã trở thành nguồn cảm hứng để Jane Austen viết nên cuốn tiểu thuyết đầu tiên Sense And Sensibility (Lý trí Và Tình cảm).
Sense And Sensibility (Lý trí Và Tình cảm) là một trong những tác phẩm mang phong cách châm biếm và mô tả sống động cuộc sống của các tầng lớp trung lưu ở Anh vào thế kỷ 19. Câu chuyện là một hành trình đầy chông gai tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc của Elinor và Marianne, hai chị em nhà Dashwood.
Vốn xuất thân từ một gia đình quý tộc giàu có nhưng Elinor và Marianne bỗng dưng phải đối mặt với hoàn cảnh túng quẫn khi cha của họ đột ngột qua đời. Ông đã để lại phần lớn tài sản của mình cho con trai của người vợ thứ nhất, khiến cho người vợ thứ hai cùng các cô con gái còn lại phải rời khỏi nhà và tự xoay sở với cuộc sống mới không mấy dư dả.
Mặc dù cả Elinor và Marianne đều là những cô gái mạnh mẽ và độc lập nhưng với nền tảng tài chính eo hẹp, họ dường như không có chỗ dựa để có thể đấu tranh giành được tình yêu mà mình mong muốn. Sau khi chuyển đến một ngôi nhà nhỏ ở Devonshire, Marianne và Elinor phải trải qua những cảm xúc thăng hoa lẫn nỗi buồn tan vỡ trong tình yêu.
Nếu như Marianne là một cô gái sống thiên về cảm xúc, bị giằng xé giữa tình cảm chân thành của vị Đại tá Brandon với sức hút của anh chàng lãng mạn John Willoughby, thì cô chị Elinor lại là một người thiên về lí trí và luôn cẩn trọng với tình cảm của mình. Mặc dù Elinor có mối tình ngọt ngào với anh chàng Edward nhưng cô lại bị cản trở bởi lời hôn ước trong quá khứ của Edward với người con gái khác.
Pride And Prejudice (Kiêu Hãnh Và Định Kiến) của Jane Austen
Sau khi chia tay Tom Lefroy vài tháng, Jane Austen đã bắt tay vào viết Pride And Prejudice, cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất trong sự nghiệp của bà. Dù đã trải qua 200 năm, Pride And Prejudice vẫn nằm trong top đầu danh sách ‘Những cuốn sách được yêu thích nhất’ của giới học giả văn học và công chúng. Với hơn 20 triệu bản được bán ra, tác phẩm đã trở thành một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất văn học Anh và truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm phái sinh trong văn học và phim ảnh hiện đại.
Pride and Prejudice (1995) Pride and Prejudice (2005)
- Pride And Prejudice (1995) – phim truyền hình chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Jane Austen
- Pride And Prejudice (2005) – bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Jane Austen
Là cuốn tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ chuyện tình đầy dang dở của Jane Austen với Tom Lefroy, Pride And Prejudice không chỉ châm biếm về cách cư xử, giáo dục hay hôn nhân và tiền bạc trong thời kỳ nhiếp chính ở Anh, câu chuyện còn xoay quanh tầm quan trọng của vấn đề kết hôn vì tình yêu hay tiền bạc và địa vị xã hội.
Bên cạnh đó, việc nhân vật Fitzwilliam Darcy trong Pride And Prejudice (Kiêu hãnh Và Định Kiến) mang dáng dấp của Tom Lefroy và tác phẩm được khép lại với một cái kết có hậu, dường như càng làm cho câu chuyện trở nên đẹp đẽ như một bức tranh tưởng tượng mà Jane Austen luôn ao ước nhưng chẳng thể chạm tới ở thế giới hiện thực.
Lấy bối cảnh ở vùng nông thôn nước Anh vào đầu thế kỷ 19, Pride And Prejudice xoay quanh năm chị em nhà Bennet cùng nhau lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Trong khi Jane xinh đẹp, dịu dàng thì Elizabeth lại thông minh, mạnh mẽ; Mary ham học, Kitty nhí nhảnh còn Lydia thì lại hoang dã. Mặc dù mỗi người đều sở hữu những cá tính riêng nhưng nhìn chung họ đều phải đối mặt với những định kiến trong hôn nhân hay tư cách đạo đức vẫn luôn hiện hữu thời bấy giờ.
Cuộc sống của họ vẫn diễn ra êm đềm cho đến một ngày, chàng trai trẻ giàu có Charles Bingley bỗng rơi vào lưới tình của nàng Jane xinh đẹp và nhút nhát. Mối quan hệ này đã vô tình mở ra những cuộc gặp gỡ cho người em gái Elizabeth và anh chàng Darcy, người bạn giàu có của Bingley. Mặc dù cả Elizabeth và Darcy đều bị hấp dẫn lẫn nhau nhưng giữa họ lại như tồn tại một bức tường vô hình được tạo nên bởi những định kiến khác biệt về đẳng cấp xã hội và tài sản của cả hai.
Mansfield Park (Trang viên Mansfield) của Jane Austen
Là tác phẩm tiếp theo được Jane Austen viết sau Pride And Prejudice (Kiêu Hãnh Và Định Kiến), Mansfield Park (Trang Viên Mansfield) được xem là cuốn tiểu thuyết nghiêm túc nhất trong tất cả tác phẩm của Jane Austen khi không chỉ kể về những mối tình đầy lãng mạn mà còn thảo luận về các vấn đề tôn giáo và nô lệ.
Mansfield Park (1999) Mansfield Park (2007)
- Mansfield Park (1999) – bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Jane Austen
- Mansfield Park (2007) – phim truyền hình chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Jane Austen
Trong Mansfield Park (Trang Viên Mansfield) của Jane Austen, nhân vật nữ chính Fanny Price là cô gái được sinh ra trong một gia đình nghèo đông con. Vì không đủ tiền nuôi nhiều đứa trẻ nên cha mẹ của Fanny đã gửi cô đến gia đình người chú Thomas giàu có đang sống tại trang viên Mansfield. Tuy nhiên, ở đó ngoại trừ người con út của Thomas là Edmund ra, những thành viên còn lại trong gia đình đều không ai chào đón Fanny và luôn xem cô như người hầu kẻ hạ.
Chính vì vậy đối với Fanny, Edmund không chỉ là bạn tâm giao mà còn là một người đặc biệt luôn bên cạnh cô trong những ngày tháng khó khăn bị khinh rẻ. Cuộc sống của Fanny lần nữa bị xáo trộn khi có sự xuất hiện của Mary Crawford và người anh trai Henry Crawford. Trong khi Edmund đem lòng cảm mến Mary khiến cho tình bạn lâu năm với Fanny dần trở nên xa cách thì mặt khác, Fanny cũng phải đối mặt với lời cầu hôn của Henry dưới sự áp lực từ người chú Thomas.
Emma của Jane Austen
Là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Jane Austen, Emma được đặt tên theo nhân vật chính và cũng là nhân vật được nữ văn hào cho là gần gũi nhất với bản thân mình. Tuy vậy, khác với các hình tượng nữ chính trong những tác phẩm trước đây, dù Emma vẫn mang những nét tính cách như thông minh, độc lập và mạnh mẽ nhưng cô lại được xuất thân từ một gia đình giàu có và không phải lo lắng về những định kiến xã hội lúc bấy giờ.
Emma (1996) của Jane Austen Emma (1996) của Jane Austen Emma (2009) của Jane Austen Emma (2020) của Jane Austen
- Emma bộ phim chuyển thể năm (1996) của Jane Austen
- Emma phim truyền hình năm (1996) của Jane Austen
- Emma phim truyền hình năm (2009) của Jane Austen
- Emma bộ phim chuyển thể năm (2020) của Jane Austen
Lớn lên trong một gia đình có mẹ mất sớm, chị gái thì đi lấy chồng xa, ngôi nhà chỉ còn lại mình Emma và người cha già nương tựa lẫn nhau. Dù mới bước qua độ tuổi 21 nhưng Emma đã đảm nhận nhiệm vụ của một nội tướng trong nhà và trông coi gia sản thay cha. Với cá tính tự tin và có phần bồng bột, sau khi nhìn cô giáo của mình đi lấy chồng Emma đâm ra chán ghét hôn nhân và tự nhủ sẽ không bao giờ lập gia đình.
Cô hoàn toàn hài lòng với cuộc sống độc thân bên người cha lớn tuổi khó tính và công việc mai mối dạo cho người khác. Một ngày nọ, Emma làm quen được với Harriet Smith và quyết tâm tìm cho người bạn mới một tấm chồng hoàn hảo. Thế nhưng Emma lại không ngờ rằng chính sự tự cao và có phần nóng vội của mình đã gây ra những tình huống bi hài khiến cô phải nhìn nhận lại bản thân và tự rút ra bài học sâu sắc.
Northanger Abbey (Tu Viện Northanger) của Jane Austen
Northanger Abbey (Tu Viện Northanger) là cuốn tiểu thuyết được Jane Austen viết vào thời điểm văn học Gothic bắt đầu phát triển ở Anh. Thông thường, những tác phẩm kiểu Gothic đều được lấy bối cảnh trong những ngôi nhà cổ kính tráng lệ, nơi che giấu những bí mật khủng khiếp hoặc chốn ẩn náu của một nhân vật đáng sợ. Những câu chuyện trong đó đa phần được tạo nên bởi một khung cảnh đẹp như tranh vẽ nhưng lại đầy ắp không khí huyền ảo, tắm tối.
Chính vì vậy, khi chắp bút cho tác phẩm Northanger Abbey (Tu Viện Northanger), Jane Austen đã phản ánh một cách nhẹ nhàng những quan niệm sai lầm và non nớt khi hiểu sai về văn học Gothic. Bên cạnh đó bà còn châm biếm những khía cạnh thương mại trong hôn nhân giữa các tầng lớp quý tộc Anh vào đầu thế kỷ 19.
- Northanger Abbey (2007) – phiên bản truyền hình chuyển thể từ tác phẩm của Jane Austen
Northanger Abbey của Jane Austen kể về hành trình phiêu lưu đi tìm bản thân và khám phá thế giới xung quanh của Catherine Morland, một cô gái ngây thơ bị ám ảnh bởi phong trào văn học Gothic thời bấy giờ. Khi Catherine được mời đến Tu viện Northanger, với trí tưởng tượng phong phú cùng tính cách đơn thuần của mình, cuộc sống của Catherine như bị rơi vào vòng xoáy khi cô bắt đầu nhầm lẫn cuộc sống thực với các câu chuyện kỳ bí trong những cuốn tiểu thuyết Gothic của mình.
Catherine nghi ngờ rằng chủ nhà của mình có thể là người đã ra tay sát hại vợ của hắn ta nên đã thu thập các manh mối và tìm kiếm lối đi bí mật trong ngôi nhà như một nữ thám tử thật sự. Thế nhưng vụ án bất ngờ được khép lại khi cuối cùng Catherine không tìm ra bất kỳ bí ẩn nào và tạo ra một tình huống ngớ ngẩn, hài hước nhưng lại không kém phần đáng yêu.
Persuasion (Thuyết Phục) của Jane Austen
Là một trong những cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Jane Austen, Persuasion (Thuyết phục) đã được xuất bản cùng tác phẩm Northanger Abbey (Tu Viện Northanger) sau khi nữ tác giả qua đời. Nếu như Pride And Prejudice (Kiêu Hãnh Và Định Kiến) được xem là cuốn tiểu thuyết nổi bật nhất trong sự nghiệp của Jane Austen thì đối với giới phê bình văn học, Persuasion (Thuyết phục) lại là tác phẩm có nội dung nồng nàn và sâu lắng nhất.
Đến với câu chuyện lần này, Anne Elliot – nhân vật nữ chính dưới ngòi bút của Jane Austen, dù vẫn mang những dáng vẻ đặc trưng và có đôi chút không hài lòng với những định kiến xung quanh, nhưng nhìn chung cô lại có phần trưởng thành và trầm lặng hơn khi ở độ tuổi khá lớn so với những nhân vật trước đó.
Persuasion (2007) của Jane Austen Persuasion (2022) của Jane Austen
- Persuasion (2007) – phiên bản truyền hình chuyển thể từ tác phẩm của Jane Austen
- Persuasion (2022) – Phim chuyển thể từ tác phẩm của Jane Austen
Persuasion (Thuyết phục) của Jane Austen là câu chuyện xoay quanh nàng Anne Elliot, người con gái thứ hai của nam tước Walter Elliot. Cô luôn bị gia đình khinh rẻ và phê phán vì không chịu lập gia đình mà vẫn độc thân ở độ tuổi 27. Trước đây khi vừa bước sang tuổi 19, Anne Elliot từng hứa hôn với Frederick Wentworth, một anh chàng không có gia sản và cũng chẳng có sự nghiệp. Dù vậy, cả hai vẫn cảm thấy hạnh phúc và yêu nhau tha thiết.
Nhưng sau đó, Anne bất ngờ cắt đứt hôn ước với người tình của mình khi nghe lời thuyết phục của Phu nhân Russell – mẹ đỡ đầu và cũng là người bạn tâm giao đáng tin cậy của Anne khi bà cho rằng Frederick không xứng đáng. Cuộc chia tay đã khiến trái tim Anne hằn lại một vết thương sâu sắc và tiếc nuối trong thời gian dài.
Tuy nhiên, tám năm sau Frederick trở lại ngay khi hoà bình được tái lập với tư cách là một đại tá lập được nhiều chiến công hiển hách. Trong khi anh trở nên giàu có nhờ số tiền thưởng kếch xù từ các cuộc chiến thì ngược lại gia đình của Anne lại rơi vào cảnh nợ nần do cha cô tiêu xài phung phí. Lúc này, Anne buộc lòng phải cân nhắc lại lời từ chối cầu hôn của sĩ quan hải quân Frederick Wentworth.
Hiện có hai dự án phim chuyển thể khác liên quan đến tác phẩm Persuasion của Jane Austen, dự án đầu được Netflix với sự tham gia của ngôi sao Dakota Johnson và một bộ phim do Searchlight Pictures sản xuất.
- Bridgerton khả năng sẽ có 8 phần dựa theo loạt tiểu thuyết của Julia Quinn
- Top 15 bộ phim tâm lý học sâu sắc, đa chiều về các hội chứng tâm lý trong cuộc sống