‘Mekong 2030’, tuyển tập phim ngắn của 5 quốc gia nói về những thay đổi trong 10 năm tới của sông Mekong. Sông Mekong là nguồn sống quan trọng chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Theo Mekong River Commission (Uỷ ban sông Mekong) viết tắt là MRC cho rằng, dòng sông đang ngày càng bị ô nhiễm vì những tác động của con người.
Các hoạt động khai thác khoáng sản, thuỷ điện và đánh bắt quá mức đã khiến hệ sinh thái của dòng sông dần thay đổi theo hướng xấu đi. Vì vậy mà Liên hoan phim Luang Prabang (LPFF) đã khởi xướng một dự án hợp tác xuyên biên giới, nhằm phát triển 5 bộ phim ngắn, tường thuật về hiện trạng của dòng sông Mekong vào năm 2030. Dự án này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về những vấn đề đang ảnh hưởng đến dòng sông cũng như các cộng đồng sinh sống và phụ thuộc vào nó.
Năm nhà làm phim đến từ các quốc gia khác nhau đã tham gia dự án Mekong 2030 bao gồm: Kulikar Sotho (Campuchia), Anysay Keola (Lào), Sai Naw Kham (Myanmar), Anocha Suwichakornpong (Thái Lan) và Phạm Ngọc Lan (Việt Nam). Các tác phẩm của những tác giả trẻ này thể hiện được tầm nhìn của riêng họ với tương lai của dòng sông. Mỗi người đều mang phong cách và cách kể chuyện khác nhau nhưng đều thể hiện được sự sáng tạo và nét văn hoá đến từ quốc gia của họ.
Đại diện đến từ Việt Nam, đạo diễn Phạm Ngọc Lân, người nổi bật với các phim ngắn độc đáo và giành nhiều giải thưởng quốc tế từ các phim ngắn: Một khu đất tốt (2019), Thành phố khác (2016) và Chuyện mọi nhà (2011) đã góp mặt với bộ phim Giòng Sông Không Nhìn Thấy (The Unseen River) trong dự án này.
Giòng Sông Không Nhìn Thấy là hai câu chuyện đan xen nhau về bà Nguyện (Minh Châu) và một cặp vợ chồng trẻ (Wean và Naomi). Một phụ nữ đi ngược dòng sông về hướng nhà máy thuỷ điện để tìm người yêu mà bà đã không gặp hơn 30 năm. Một chàng trai trẻ mắc chứng mất ngủ, đi xuôi dòng để gặp một nhà sư chữa bệnh.
Thông qua hình ảnh và những cuộc đối thoại những liên kết trong cả hai câu chuyện tạo nên sự ẩn dụ giữa thời gian, giấc ngủ và dòng sông Mekong. Trong các loại hình nghệ thuật, dòng sông luôn được ví với dòng chảy thời gian, do vậy hành trình ngược và xuôi sông cũng là ẩn dụ cho việc du hành thời gian.
Bộ phim đã tham dự và nhận được nhiều giải thưởng quốc tế cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Concorto lần thứ 19 (Ý); Giải thưởng của Ban giám khảo Liên hoan phim Bangkok ASEAN 2020 (Thái Lan); Grande P rémio (Giải thưởng lớn) tại cuộc thi Quốc tế, Curtas Vila do Conde lần thứ 28 (Bồ Đào Nha)…
Danh sách 5 phim ngắn trong Mekong 2030:
Soul River của Kulikar Sotho (Cambodia): lấy bối cảnh trên dòng sông tại đông bắc Campuchia, phim mô tả một trận tranh cãi giữa một người đánh cá tìm thấy một bức tượng cổ trong dòng sông với một người đàn ông khác tự xưng là chủ đất.
The Che Brother của Anysay Keola (Laos): mô tả một đại dịch lây lan khắp thế giớim khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Một người đàn ông quay trở về làng chài ven sông Mêkong, nơi anh được nuôi dưỡng. Tại đây anh phải đối mặt với những mâu thuẫn gia đình và đạo đức khi những tranh chấp bùng nổ vì: Máu của người mẹ già có kháng thể chống lại dịch bệnh này.
The Forgotten Voices of the Mekong của Sai Naw Kham (Myanmar): Một thủ lĩnh mới được dân làng bầu là nhân vật chính trong bộ phim. Anh ta được đại diện để thương lượng hợp đồng với một công ty khai thác mỏ. Một mặt công ty này có thể mang lại sự giàu có cho ngôi làng của anh ta nhưng đồng thời nó cũng sẽ huỷ hoại môi trường và khả năng sinh kế của những người khác trong làng.
The Line của Anocha Suwichakornpong (Thailand): Tập trung vào một nghệ sĩ đang chuẩn bị mở một triển lãm. Tại đây những tác phẩm của anh cho thấy cái nhìn về sự thay đổi của dòng sông Mekong khi chịu sự tác động từ con người.
The Unseen River của Pham Ngoc Lân (Vietnam): là hai câu chuyện đan xen nhau về bà Nguyện (Minh Châu) và một cặp vợ chồng trẻ (Wean và Naomi). Một phụ nữ đi ngược dòng sông về hướng nhà máy thuỷ điện để tìm người yêu mà bà đã không gặp hơn 30 năm. Một chàng trai trẻ mắc chứng mất ngủ, đi xuôi dòng để gặp một nhà sư chữa bệnh.
- ‘Đoạn Trường Vinh Hoa’ phim tài liệu khắc hoạ cuộc đời của người nghệ sĩ Cải Lương
- ‘À La Carte’ một phim ngắn kết hợp giữa ẩm thực và lịch sử lọt vào LA Shorts Fest