Đia Đạo không chỉ là một bộ phim về lịch sử yêu nước mà còn là một bộ phim hay với đủ các cung bậc cảm xúc về một thời kỳ chiến đấu gian khổ của nhân dân ta. Bộ phim không mang đến cảm giác khô cứng, tuyên truyền mà có cốt truyện được xây dựng tốt, lồng ghép cái nhìn đầy đủ nhất về cuộc sống của các anh em chiến sĩ du kích ở địa đạo dưới những trận càn quét của quân địch.
Phim được làm chỉn chu từ tất cả các khâu từ diễn xuất chân thật của dàn diễn viên, hình ảnh, âm thanh, thiết kế bối cảnh, những phân đoạn hành động kịch tính cho thấy sự gan dạ và thông minh của nhân dân ta. Tất cả những điều này đều bám sát lịch sử thông qua những tư liệu hình ảnh và lời kể mà bạn có thể xem sau khi phim kết thúc.
Một câu chuyện tổng thể với những mảnh ghép lịch sử đầy đủ nhất:

Cuối phim có một đoạn phỏng vấn nhỏ về những anh hùng dân tộc còn sống, với những câu chuyện riêng cá nhân được kể lại. Đó là một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng đáng nhớ và họ cũng chia sẻ rằng việc tham khảo các tư liệu trong thời gian ngắn e rằng không thể truyền tải được hết những điều này. Tuy nhiên với dự án ấp ủ suốt 10 năm, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã xây dựng một câu chuyện với cấu trúc giống sơ đồ cây chắc chắn.
Trong đó cuộc chiến của những chiến sĩ du kích ở Bình An Đông bảo vệ địa đạo đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ truyền tin và liên lạc cho chiến thắng Hồ Chí Minh 30/4 giải phóng miền Nam, và tiến đến thống nhất đất nước. Cuộc chiến của mỗi cá nhân, mỗi sự hi sinh đều góp phần tạo nên chiến thắng cuối cùng, cho dù nhiều chiến sĩ không hình dung được điều này nhưng họ vẫn lựa chọn tin tưởng vào niềm tin chung của dân tộc.
Câu chuyện về Bảy Theo (Thái Hòa) người được xem như lãnh đạo của khu địa đạo. Ông mất vợ, sống cùng con gái và những anh em du kích ở đây. Ông muốn làm tốt nhiệm vụ từ các đồng chí cách mạng vừa lo lắng cho những đứa trẻ của mình, phân phó, dặn dò từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ.
Chuyện tình của Ba Hương (Hồ Thu Anh) và Tư Đạp (Quang Tuấn), chuyện những đứa trẻ không muốn rời khu địa đạo mà muốn chiến đấu, chuyện những bữa cơm, những buổi văn nghệ cây nhà lá vườn hay buổi chiếu phim hiếm hoi, chuyện các lối vào bí mật của địa đạo, chuyện chế tạo vũ khí, chuyện đặt những cạm bẫy bên trong địa đạo… mọi thứ đều được kể lại theo cách chân thật nhất qua góc nhìn của Bùi Thạc Chuyên:
“Chưa có phim nào thúc giục tôi mãnh liệt như thế, bất chấp mọi khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua được. Tôi tự hỏi sức mạnh đó là gì. Bắt tay vào làm phim, tôi cảm nhận được niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc, của các thế hệ đi trước.”
Bộ phim Địa Đạo đã tái hiện lại ý chí của những người lính, vinh danh những người còn sống và tri ân hơn mười ngàn người đã ngã xuống tại vùng địa đạo Củ Chi này khi đã chiến đấu anh dũng qua hơn 40 ngàn trận càn của địch. Và giờ đây người xem có thể hình dung và biết nhiều hơn về những gì diễn ra vào thời khắc lịch sử ấy.
Diễn xuất chân thành từ toàn bộ dàn diễn viên:
Thái Hoà được xem là ngôi sao bảo chứng phòng vé bởi khả năng hoá thân xuất sắc vào các nhân vật. Tuy nhiên việc tìm kiếm một kịch bản, một vai diễn phù hợp không phải là chuyện dễ dàng, nhất là với điện ảnh Việt. Tuy nhiên khi có cơ hội vào vai Bảy Theo thì Thái Hoà cảm thấy đây là một vai diễn đáng tự hào trong sự nghiệp của mình:
“Nếu trong cuộc đời diễn viên của mình. Giống như là sau khi mà mình làm phim xong. Mình hình dung lại có những giai đoạn mà mình tưởng mình không được tham gia phim này, nếu mà nhìn lại trong cái quãng thời gian làm nghề của mình chắc là mình sẽ rất buồn nếu mà mình không tham gia phim này.”
Nhân vật Bảy Theo của Thái Hoà vừa giống một người lãnh đạo vừa giống một người cha, với tạo hình đơn giản, hay càu nhàu, nhăn nhó nhưng đôi khi lại hiền lành. Thái Hoà đã tạo nên một nhân vật có tính cách thú vị và dễ dàng có thiện cảm với người xem bởi nhiều chi tiết, tình huống nho nhỏ.
Hầu hết dàn diễn viên trong phim Thái Hòa, Quang Tuấn, Diễm Hằng Lamoon, Anh Tú Wilson, Hồ Thu Anh… đều hết lòng vì các vai diễn. Mọi người đã giảm cân để phù hợp với hình ảnh những người lính thời chiến và luôn phải thể hiện được sự “máu lửa” khi đối diện với khó khăn, gian khổ.
Để chuẩn bị cho bộ phim Địa Đạo, các diễn viên phải nhiều tháng để chuẩn bị về kiến thức, sức khỏe và được Bộ tư lệnh TP.HCM hỗ trợ nhiệt tình để các diễn viên tập bắn súng với đạn thật ở thao trường, hoặc tập thể lực, chiến đấu bằng dao suốt một tháng. Ngoài ra, mọi người còn làm quen với không gian hầm địa đạo, cách cầm vũ khí luồn lách, di chuyển sao cho linh hoạt nhất.
Hơn nữa dàn diễn viên cũng đảm nhận rất nhiều pha hành động trong phim như cảnh bắn, tháo lắp súng, hay động tác trườn bò dưới địa đạo, người luôn lấm lem bùn đất vì ngụp lặn dưới sông, sình lầy…
Hình ảnh và yếu tố kỹ thuật của phim rất tốt:
Trước khi quay 6 tháng thì ekip quay phim gặp khá nhiều khó khăn khi ghi hình trong một môi trường chật hẹp, không có không gian để lắp đặt ánh sáng, xoay trở máy quay phức tạp nhưng sau đó mọi người đã tìm cách khắc phục bằng cách thay đổi, luyện tập cách quay mới, cách di chuyển để phù hợp với môi trường.
Hơn nữa vì không thể quay phim ở địa đạo thật nên bối cảnh được tạo bằng máy tính 3D và sau đó tái tạo lại bằng các mô hình thiết kế sao cho giống thật nhất. Nhằm tạo sự chân thật phim sử dụng các máy tạo rung động với tần số phù hợp hay những ảnh hưởng của địa đạo khi bị xe tăng càn quét. Ở ngoại cảnh, phim cũng tái hiện hầu như toàn bộ bối cảnh với những cảnh quay làng xã bị tàn phá, cháy rừng, thuốc nổ…
Không chỉ phe ta, hình ảnh xe tăng, vũ khí và quân lính Mỹ cũng được đầu tư lớn để cho thấy rõ mức độ chênh lệch về lực lượng và sức mạnh giữa hai bên. Do đó bộ phim gần như đã tái hiện lại một cách trọn vẹn không khí chiến tranh diễn ra.