Phim độc lập thường được xem như là những bộ phim nằm ngoài hệ thống các hãng phim lớn và không nhận được hỗ trợ từ các đơn vị phát hành. Các bộ phim độc lập đôi khi còn được phân biệt bằng nội dung, phong cách và cách thức thực hiện hóa tầm nhìn nghệ thuật cá nhân của các nhà làm phim.
Những tác phẩm độc lập giúp các nhà làm phim có thể kể những câu chuyện một cách khác biệt hoặc chân thật hơn bằng chính trải nghiệm của bản thân. Tuy nhiên, dù được định nghĩa như thế nào thì hầu như những bộ phim này thường được sản xuất với một mức kinh phí thấp và gặp rất nhiều hạn chế trong việc được phát hành rộng rãi.
Phim độc lập tại Mỹ
Tại Mỹ, nơi có nền điện ảnh phát triển mạnh mẽ và lâu đời nhất, các phim độc lập được bắt đầu từ giữa những năm 1980 và phát triển mạnh mẽ vào những năm 1990. Trong thời kỳ này, các bộ phim không tự phát mà được định hướng và phát triển rõ ràng bởi các hãng phim độc lập quy mô nhỏ. Đây cũng là giai đoạn các công ty sản xuất độc lập được hình thành nhiều, các liên hoan phim nhỏ giới thiệu phim độc lập nở rộ, nhiều phim độc lập được chiếu tại các rạp chính thống và nhận nhiều giải thưởng lớn, bao gồm cả Giải thưởng Viện hàn lâm.
Ngoài năm “Big Five” được mọi người biết đến như 20th Century Fox, Warner Bros., Paramount, Columbia và Universal với các bộ phim thương mại lớn, dòng phim độc lập cũng có những cái tên bảo chứng cho các tác phẩm độc đáo của mình.
Đầu tiên phải kể đến hãng phim Miramax được thành lập vào năm 1979 bởi anh em Bob và Harvey Weinstein. Miramax được xem là công ty sản xuất và phân phối phim độc lập mà bị các hãng phim lớn coi là không khả thi về mặt thương mại. Sex, Lies, And Videotape (Steven Soderbergh, 1989) ; Pulp Fiction (Quentin Tarantino, 1994) và Chasing Amy (Kevin Smith, 1997)… là những tác phẩm thành công của hãng phim.
Tiếp đó là các hãng phim độc lập khác như
- Warner Independent: Before Sunset (Richard Linklater, 2004), Good Night And Good Luck ( George Clooney, 2005) và A Scanner Darkly (Richard Linklater, 2006)…
- Picturehouse thì có Factotum (Michael Hammer, 2005) và A Prairie Home Companion (Robert Altman, 2006)…
- Paramount Vantage (hay còn được gọi là Paramount Classics) cũng có những tác phẩm độc đáo như: The Virgin Suicides (Sofia Coppola, 1999), An Inconvenient Truth (Davis Guggenheim, 2005) và There Will Be Blood (Paul Thomas Anderson, 2007)…
Sự thành công từ các tác phẩm phim độc lập của các hãng phim nhỏ đã khiến cho bức tranh tổng thể bị thay đổi. Các hãng phim độc lập này bắt đầu tạo ra những tác phẩm độc lập nhưng có kinh phí lớn hơn đôi khi cạnh tranh với cả các hãng phim lớn, không chỉ ở Mỹ mà còn ở nước ngoài.
Các phim Good Will Hunting (Gus Van Sant, 1997), Shakespeare in Love (Guy Madden, 1998), Gangs of New York (Martin Scorsese, 2003), Chicago (Rob Marshall, 2002) và The Aviator (Martin Scorsese , 2005), tất cả được phân phối bởi Miramax. Brokeback Mountain (Ang Lee, 2005), được phân phối bởi Focus Features; Little Miss Sunshine (Jonathan Dayton và Valerie Faris, 2007), do Fox Searchlight phân phối. Tất cả các phim này đều được chiếu rạp và có doanh thu phòng vé trên 100 triệu USD.
Tuy nhiên những thành công này không liên tục và không đủ để gánh được những bộ phim độc lập khác ít thành công hơn. Hơn một nửa các hãng phim độc lập này sau đó bước vào giai đoạn đóng cửa, bị thu mua hoặc rút vốn. Sự ra đi của Miramax vẫn luôn là điều khiến cho những khán giả trung thành của hãng cảm thấy tiếc nuối.
Ngoài những cái tên trong thời gian đầu, sau này còn xuất hiện các hãng phim độc lập khác gây ấn tượng với những tác phẩm của mình như Searchlight với Slumdog Millionaire, 12 Years a Slave, Birdman,… Focus Features với Brokeback Mountain, Traffic… hay Sony Classics với Midnight in Paris của Woody Allen.
Được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây còn có hai hãng phim độc lập mới nổi A24 và Neon. Trong đó, tính đến năm 2019, A24 đã nhận được tổng cộng 25 đề cử Giải Oscar cho các phim chất lượng của mình như Moonlight, The Lighthouse, gần đây thì có Minari.
Phim độc lập tại Trung Quốc
Khái niệm về phim độc lập của Trung Quốc vào những thời điểm đầu cũng gần giống như phim độc lập tại Mỹ. Tuy nhiên đa số các bộ phim này còn mang những màu sắc đặc biệt khác khi cố gắng bày tỏ tiếng nói của các nhà làm phim với chính phủ của mình.
Điện ảnh độc lập, từng tồn tại trong thời kỳ hoàng kim với những tác phẩm kinh điển mang rõ dấu ấn và phong cách của các đạo diễn như: Beijing Bicycle (2001) của Vương Tiểu Soái, Summer Palace (2006) của Lâu Diệp…Những bộ phim độc lập này, hầu như đều tập trung khai thác chủ đề về thanh niên cũng như một số vấn đề xã hội, bao gồm giai cấp, thanh niên phạm pháp, trộm cắp, sự phân chia và thay đổi kinh tế xã hội nông thôn – thành thị.
Các tác phẩm này thường tìm kiếm nguồn tài trợ từ các liên hoan phim nước ngoài nhưng sau đó bị kiểm duyệt và cấm chiếu khá gay gắt tại thị trường Trung Quốc. Những luật điện ảnh mới cho phép các nhà làm phim được phép tham gia các liên hoan phim nước ngoài nhưng phải thông qua kiểm duyệt trước khi chiếu ở bất kỳ đâu trên thế giới nếu họ muốn trở về chiếu rạp tại thị trường nội địa.
Một vài bộ phim bị cấm chiếu, thậm chí một số nhà làm phim độc lập bị bắt và sự kiện Liên hoan phim độc lập Bắc Kinh bị đàn áp mạnh mẽ vào năm 2014 cùng với chính sách kiểm duyệt quá khắt khe khiến cho điện ảnh độc lập của Trung Quốc gần như sắp biến mất. Cùng với đó, nền công nghiệp truyền hình của Trung Quốc cũng tăng trưởng vượt bậc, các bộ phim được chiếu trên các nền tảng online rất nhiều và thu hút một lượng lớn nguồn lực tham gia vào các bộ phim này.
Tất cả những điều này khiến cho những người trẻ không còn hứng thú với các bộ phim độc lập kiểu cũ nữa và các liên hoan phim thậm chí cũng không có tác phẩm mới để thưởng thức.
Tuy nhiên với một đất nước đông dân như Trung Quốc, nhu cầu xem phim của họ ngày một đa dạng và các bộ phim thị trường đáp ứng đủ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của mọi người. Bằng chứng là các bộ phim độc lập của nước ngoài như Capernaum đã thu về 12 triệu USD tại thị trường Trung Quốc (1,6 triệu USD tại Mỹ), Shoplifters thu về 14 triệu USD tại thị trường Trung Quốc (3,3 triệu USD tại Mỹ)… đã khiến cho các nhà phát hành tại quốc gia này đưa ra các chiến lược mới để đa dạng nguồn phim.
Ba công ty giải trí lớn nhất Trung Quốc — Perfect Village Entertainment, Edko Films và Huaxia Film Distribution đã cùng nhau đầu tư 16 triệu USD vào dự án A.R.T. Project. Đây là dự án liên doanh nhằm mục đích quảng bá những bộ phim kinh phí thấp nhưng chất lượng cao của các đạo diễn Trung Quốc mới nổi. Cùng với đó hàng loạt các rạp chiếu phim dành cho phim độc lập được thành lập.
Trong năm 2009 báo cáo của National Alliance of Arthouse Cinemas cho thấy hiện Trung Quốc có 3.795 rạp dành riêng cho các bộ phim về đề tài nghệ thuật, chiếm khoảng 6% tổng số rạp chiếu phim. Tuy nhiên tất cả các phim được chiếu phải có dấu “Dragon Seal” từ hội đồng kiểm duyệt của quốc gia. Ngày nay đã có nhiều bộ phim mang phong cách độc lập mới từ Trung Quốc, những bộ phim có kinh phí nhỏ, có các câu chuyện sâu sắc và đã qua kiểm duyệt.
Phim độc lập tại Việt Nam
Vào khoảng thời gian trước, các bộ phim độc lập tại Việt Nam được biết đến như Mùa Len Trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Mùi Đu Đủ Xanh (Trần Anh Hùng), Ba Mùa (Tony Bùi)… đều là những dự án phim của các đạo diễn Việt kiều. Các bộ phim này đạt được các giải thưởng lớn tại các Liên Hoan Phim quốc tế, đồng thời những câu chuyện trong phim khai thác các góc nhìn độc đáo về Việt Nam. Tuy nhiên, những bộ phim này đều gặp khó khăn và không được công chiếu tại Việt Nam, một vài phim sau đó chọn cách công chiếu qua mạng.
Mặc dù vậy những bộ phim này đã tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà làm phim trẻ tại Việt Nam muốn kể một câu chuyện khác biệt. Trong đó phải kể đến những cái tên đã lựa chọn và kiên định theo con đường làm phim độc lập như Đập Cánh Giữa Không Trung của Nguyễn Hoàng Điệp, Bi, Đừng Sợ! của Phan Đăng Di, Chơi Vơi của Bùi Thạc Chuyên,…
Các tác phẩm này cũng nhận được đánh giá tốt từ nước ngoài và được chiếu tại các rạp Việt Nam nhưng nội dung có phần khá kén người xem, cộng với không được quảng bá hay tiếp thị cũng như có suất chiếu hạn chế nên doanh thu từ các bộ phim không cao. Sau những bộ phim này và chia sẻ của họ với điện ảnh, rất nhiều các sân chơi làm phim đã ra đời và thu hút các bạn trẻ đam mê làm phim.
Tại miền Nam có tiệc phim ngắn trực tuyến quốc tế YxineFF (viết tắt của Yxine Film Festival) của diễn đàn điện ảnh trên mạng www. yxineff.com ra đời năm 2010. Đây là sân chơi phi lợi nhuận do Marcus Mạnh Cường Vũ, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và Vũ Quỳnh Hà đồng sáng lập. Sau bốn năm hoạt động, YxineFF đã làm cầu nối giữa nhà làm phim và nhà đầu tư, tạo cơ hội cho họ tham gia các liên hoan phim quốc tế.
Đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy (thắng giải tại YxineFF 2012) với phim ngắn 16:30, tiền thân của Ròm và những đạo diễn trẻ như Tạ Nguyên Hiệp, Trần Lý Trí Tân, Trương Quế Chi, Trần Dũng Thanh Huy, Lê Bình Giang… từng được trao giải của YxineFF và hiện đang bắt đầu những dự án phim dài của mình. Tiếc rằng Yxine Film Festival hiện đã kết thúc sau khi gặp khó khăn trong việc quản lý nội dung.
Miền Bắc thì có Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện Ảnh TPD, được xem là nơi đào tạo và hỗ trợ các bạn trẻ yêu thích làm phim. Trung tâm đã tạo ra LHP Búp sen vàng tổ chức thường niên để chọn ra các phim ngắn tốt để tranh giải tại Cánh diều vàng, Bông sen vàng, hay LHP quốc tế Hà Nội và các giải thưởng khu vực, quốc tế. Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất trẻ đã bước ra từ TPD như Hà Thái, Hà Lệ Diễm, Ngô Đài Trang, Nguyễn Lê Hoàng Việt…
Tại miền Trung, có Autumn Meeting sự kiện điện ảnh diễn ra thường niên vào mỗi mùa thu tại Đà Nẵng – Hội An, bắt đầu từ năm 2013. Cộng đồng các nhà làm phim độc lập của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung sẽ tới đây, tham gia một workshop kéo dài hơn một tuần trong các lớp học như Đạo diễn, Thiết kế mỹ thuật, Diễn xuất, Sản xuất phim, Làm phim kinh phí thấp… Bộ phim Thưa Mẹ Con Đi của đạo diễn trẻ Trịnh Đình Lê Minh, là một trong những dự án từng thắng giải Dự án thương mại của Gặp gỡ mùa thu 2017.
Ngoài ra còn phải kể đến các tổ chức nhỏ khác cũng đã hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ các bạn trẻ làm phim như Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội có Liên hoan phim Ong vàng, ĐH Hoa sen có cuộc thi Sfilm contest, những sân chơi khác như: Phim ngắn cùng HTV, 89600 km+, 321 Action, dự án làm phim 48h, Dự án phim ngắn CJ 2019, Viet Indie Cinema, sân khấu Hồng Hạc, Xinê House…
Nhờ các sân chơi này mà trong vài năm trở lại đây đã xuất hiện những đạo diễn trẻ với các phim ngắn được đánh giá tốt như:
- Phạm Ngọc Lân với Thành Phố Khác và Một Mảnh Đất Tốt được vào vòng dự thi của LHP Berlin.
- Phạm Thiện Ân với phim ngắn Hãy Thức Tỉnh Và Sẵn Sàng giành giải cao nhất ở nhánh Director’s Fortnight, Liên hoan phim Cannes 2019.
- Dòng Sông Không Nhìn Thấy của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, Bình của đạo diễn Ostin Fam và Thiên Đường Gọi Tên của đạo diễn Dương Diệu Linh được lọt vào vòng tranh giải phim ngắn hạng mục Đông Nam Á – LHP Quốc tế Singapore 2020.
- À La Carte của Jay Đỗ đã tham dự các liên hoan phim tại khu vực Bắc Mỹ như Raindance, LA Short Fest, Vancouver…
Trong 2 năm trở lại đây, hai nhà phát hành BHD và Galaxy bắt đầu dành sự quan tâm đến phim độc lập và dành những hỗ trợ giống như các phim thị trường khác như Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè (Cao Thúy Nhi), Vai Diễn Đổi Đời (Nguyễn Đức Minh), Đảo Của Dân Ngụ Cư (Hồng Ánh)…
Một trong những tín hiệu tốt cho phim độc lập trong thời gian gần đây chính là việc một số phim ra rạp đã tạo nên màu sắc mới điện ảnh Việt Nam và nhận được đánh giá tốt từ khán giả. Phải kể đến Ròm, một phim độc lập khai thác chủ đề gai góc về những người nghèo khổ ở Sài Gòn và được đánh giá tốt, ghi nhận doanh thu cao so với những phim độc lập từ trước đến nay. Và một số phim độc lập khác mang màu sắc nhẹ nhàng hơn như Cha Cõng Con, Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi, Sài Gòn Trong Cơn Mưa…
- ‘Sài Gòn Trong Cơn Mưa’ tình yêu bình dị của những người trẻ xa xứ
- Phim thương hiệu, vũ trụ điện ảnh, xu hướng được các nhà làm phim Việt Nam hướng đến
- Top 10 phim Việt Nam có doanh thu cao nhất