Phá Địa Ngục (The Last Dance) là bộ phim Hồng Kông gây tiếng vang nhất trong năm nay với sự tham gia của hai ngôi sao hàng đầu là Hứa Quán Văn và Huỳnh Tử Hoa. Phim khai thác chủ đề tang lễ, chọn tiêu đề là tên gọi của điệu múa thường có trong các nghi thức cúng bái và được xem là di sản văn hoá nổi tiếng của Hồng Kông. Tuy nhiên nội dung phim tập trung vào những cảm xúc của người sống và những “địa ngục cần đột phá của họ.”
Thông tin về Phá Địa Ngục (The Last Dance):
Chỉ sau một tháng sau khi phát hành, Phá Địa Ngục (The Last Dance) đã nhanh chóng phá vỡ kỷ lục phòng vé, vượt qua Cửu Long Thành Trại trở thành phim tiếng Trung có doanh thu cao nhất trong năm và lọt vào top 10 phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông.
Nội dung của Phá Địa Ngục (The Last Dance) xoay quanh Đạo Sanh (Huỳnh Tử Hoa), một người đàn ông làm dịch vụ đám cưới mắc nợ vô tình chuyển sang thành người làm dịch vụ tang lễ thành công. Tuy nhiên, ngoài việc bối rối trước công việc kinh doanh kỳ lạ này thì Đạo Sanh còn cần phải nhận được sự thừa nhận từ đối tác kinh doanh mới là sư phụ Văn (Hứa Quán Văn), một đạo sĩ nghiêm khắc ngoài tám mươi tuổi.
Việc lựa chọn Hứa Quán Văn và Huỳnh Tử Hoa cũng phù hợp với thông điệp mang ý nghĩa kế thừa này. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, Hứa Quán Văn là nam diễn viên nổi tiếng từng nhiều lần phá vỡ kỷ lục phòng vé Hồng Kông và trong những năm gần đây Huỳnh Tử Hoa là một trong những diễn viên được yêu thích, với ba bộ phim có doanh thu cao nhất ở Hồng Kông. Cả hai được xem như những đại diện cho quá khứ và tương lai của điện ảnh Hồng Kông.
Trước khi phát hành, Phá Địa Ngục (The Last Dance) có thời lượng ban đầu dài hơn 3 giờ, nhưng đạo diễn Trần Mặc Âm đã cắt bớt nhiều cảnh để phù hợp với thời lượng chiếu rạp. Phim bản cuối cùng, dài 127 phút chính là bản cắt lần thứ 49 của phim, trong đó có rất nhiều phân cảnh đã bị cắt bỏ.
Ngoài ra để tái hiện một cách chính xác điệu múa trong nghi thức “Phá địa ngục”, đoàn phim đã mất nhiều tháng để tìm được các bậc thầy để tái hiện lại nghi thức theo đúng Đạo giáo, giúp người quá cố thoát khỏi địa ngục và siêu thoát đến miền cực lạc. Các diễn viên cũng dành nhiều thời gian để thích ứng với các chuyển động cơ thể liên quan đến những phân cảnh này. Bộ phim sẽ khởi chiếu tại các rạp Việt Nam vào ngày 10.01.2025.
Review Phá Địa Ngục (The Last Dance):
“Có lúc, mọi người cũng sống trong địa ngục. Vậy nên người sống cũng cần phải đột phá địa ngục, và người sống cũng có nhiều địa ngục cần phải đột phá”
Phá Địa Ngục (The Last Dance) mượn chủ đề tang lễ, chuyện của người chết để nói chuyện người sống, những người ở lại. Câu chuyện tập trung vào mối quan hệ của ông Văn với Đạo Sanh, một người mới chuyển nghề tang lễ và những mâu thuẫn với hai đứa con của mình. Mối quan hệ hợp tác làm ăn của ông Văn và Đạo Sanh đại diện cho các yếu tố Văn và Võ trong một nghi thức tang lễ. Văn dùng để chỉ những người làm Hộ Tang, chịu trách nhiệm lo cho ý nguyện của người sống; Còn Võ là những Đạo sĩ, người chịu trách nhiệm thực hiện lễ phá địa ngục.
Nhân vật chính Đạo Sanh (Huỳnh Tử Hoa) là một người trải qua vô số thất bại, vật lộn với cuộc sống đến nỗi gần như không còn chút cảm xúc dư thừa nào ngoài việc kiếm tiền. Có được cơ hội hợp tác cùng điều hành một nhà tang lễ, Đạo Sanh tận dụng hết các kỹ năng từ trước đến giờ vào công việc Hộ Tang. Anh làm mọi thứ tốt và chuyên nghiệp, xem khách hàng là thượng đế những lại thiếu “cái tâm” để đồng cảm với mọi người.
Mãi đến khi nhận được lời cảm ơn từ một khách hàng, lần đầu tiên ngoài việc kiếm được tiền, anh còn cảm nhận được điều mình làm đã “giúp được ai đó”. Đó cũng là khoảnh khắc anh bắt đầu đặt cái tâm của mình trong công việc này. Chính vì thế công việc Hộ tang của Đạo Sanh không chỉ chăm sóc người chết (quá khứ/truyền thống) mà còn phải chăm sóc, để tâm đến người sống (hiện tại/tương lai).
Đối trọng với Đạo Sanh là sư phụ Văn (Hứa Quán Văn), là một Đạo sĩ, người phụ trách phần thực hiện lễ phá địa ngục cùng với con trai mình. Tuy nhiên đây là nghi lễ truyền thống, được duy trì với quan niệm từ xưa nên ông Văn có khá nhiều quy tắc, tính cách cũng cứng nhắc, vụng về trong việc bộc lộ cảm xúc. Điều này không chỉ thể hiện ở việc ông hay cằn nhằn cách làm việc của Đạo Sanh mà trong gia đình các quy tắc cũng được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế giữa ông Văn và hai đứa con của mình có những mâu thuẫn ngày càng lớn.
Ban đầu bộ phim tạo kịch tính bởi mối quan hệ làm ăn không hoà hợp giữa ông Văn và Đạo Sanh. Một người theo hướng hiện đại, sử dụng những phương thức, kinh nghiệm từ các ngành nghề khác vào công việc tang lễ. Một người thì thấy cách làm việc này chỉ chăm chăm kiếm tiền và cố chấp với những quy tắc xưa giờ. Tuy nhiên sau mỗi lần thực hiện tang lễ cho các khách hàng, mỗi người đều có sự thay đổi và dần thấu hiểu hơn với người kia. Khoảng cách thế hệ ban đầu được rút ngắn lại cuối phim khi tần suất những cuộc trò chuyện của họ tăng lên.
Mối quan hệ của ông Văn và Đạo Sanh trong Phá Địa Ngục (The Last Dance) còn mang nhiều tính ẩn dụ về lịch sử, thời đại và bối cảnh chính trị của Hồng Kông. Mỗi phân cảnh của phim đều cho thấy những mặt đối lập này: từ các nghi lễ xuất hiện trong phim, đến trang phục của các nhân vật, tuổi tác và mối quan hệ của họ… và cả tâm nguyện lớn nhất của sư phụ Văn khi giao một nửa cửa tiệm lại cho Đạo Sanh đó là: không bao giờ được đổi tên.
Trong khi đó câu chuyện gia đình ông Văn lại mang tính vi mô hơn, khi nó cho thấy các quan điểm truyền thống đã ăn sâu và khó thay đổi trong quá khứ, đôi khi chúng hạn chế cuộc sống của rất nhiều người trẻ hiện tại. Với nghề nghiệp là đạo sĩ, ông Văn và rất nhiều người khác luôn cho rằng nghề này “chỉ truyền lại cho con trai chứ không truyền lại cho con gái” vì phụ nữ/ con gái không sạch sẽ… Quy tắc này khiến con trai ông Văn phải từ bỏ nhiều thứ để làm công việc mình chán ghét. Còn cô con gái Văn Nguyệt thì bị tổn thương tâm lý.
Tuyến truyện tình cảm cha con của ông Văn và Văn Nguyệt trong Phá Địa Ngục (The Last Dance) mang đến khá nhiều cảm xúc cho người xem. Văn Nguyệt, người chứng kiến cha mình thực hiện nghi lễ “phá địa ngục” với sự ngưỡng mộ, biết ơn và có sự tin tưởng mạnh mẽ vào công việc của cha mình. Cô được tự do làm mọi thứ mình muốn ngoại trừ việc kế thừa điệu nhảy “phá địa ngục”. Thậm chí vì tính chất nghề nghiệp, thỉnh thoảng lời nói của ông Văn khiến chính cô cũng không còn xem trọng bản thân mình và bắt đầu buông thả.
Nhưng “Cha và con gái thì không thể nào ghét nhau được”. Mãi đến cuối phim, mối quan hệ của cả hai cha con họ mới dần được thể hiện rõ hơn. Sự yêu thương vụng về của người cha, sự tự ti khép kín của cô con gái được cả hai thú nhận và cứ thế mỗi phân cảnh đều khiến người xem xúc động, đặc biệt là phân cảnh khi Văn Nguyệt bước vào địa ngục để cứu cha mình…