Trong rất nhiều nỗi buồn của năm 2020, điện ảnh, các bộ phim Việt đã có một nốt trầm rất lặng. Thế nhưng biết đâu trầm là để tĩnh, như một chặng nghỉ để hồi sức, nhìn lại những gì đã làm được và chuẩn bị thật tốt cho tương lai. Thế nên, vào khoảng thời gian phim ảnh có phần trầm mặc này, hãy cùng Koicine điểm lại những nốt nhạc vui của phim Việt nửa thập kỉ vừa qua nhé.
1. Sự ổn định về số lượng
Năm 2015, phim Việt lần đầu tiên không còn phân định giới hạn phim theo mùa, mà gần như tháng nào cũng có từ 2 đến 5 phim ra rạp. So với 160 phim ngoại nhập, Việt Nam đã sản xuất được 40 phim, nhiều phim “dám” cạnh tranh với bom tấn Hollywood khi chọn ra mắt cùng thời điểm. Những năm tiếp theo, lượng phim Việt ra rạp tiếp tục duy trì ở mức ổn định: năm 2016 có 43 phim, năm 2017 có 36 phim, năm 2018 có 43 phim, và chạm mốc 44 tác phẩm vào năm 2019.
Trong một thị trường mà phim ngoại lấn át (khoảng trên dưới 200 phim được nhập về mỗi năm), phim Mỹ vẫn được ưa chuộng nhất với tỷ lệ gần 50%, sự duy trì phong độ về số lượng phim được sản xuất là một điểm sáng đáng ghi nhận của các nhà làm phim Việt.
2. Bùng nổ doanh thu
Còn nhớ năm 2014, Để Mai tính 2 xác lập kỷ lục khi lần đầu tiên điện ảnh Việt Nam có phim đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Từ dấu mốc đó, trong nửa thập kỉ qua, danh hiệu phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại liên tục bị phá vỡ. Đó là 2017 với Em chưa 18 đạt 171 tỷ, 2019 với Cua lại vợ bầu đạt 191,8 tỷ và Hai Phượng thu 200 tỷ từ cả trong và ngoài nước. So sánh với doanh thu phim Hollywood ăn khách nhất tại Việt Nam là siêu bom tấn Avengers: End game (2019) với 285 tỷ đồng, thứ hai là Avengers: Infinity War (2018) với 188,5 tỷ đồng; hay phim Hàn ăn khách nhất Bán đảo – Peninsula (2020) đạt gần 80 tỷ; phim Thái là Friend Zone (2018) thu 53 tỷ, phim Trung có Mỹ nhân ngư (2016) với 80 tỷ – có thể thấy khán giả đã thực sự dành sự quan tâm nhất định cho phim nội địa. Đặc biệt, nhìn lại doanh thu các phim Việt chiếu dịp Tết Nguyên đán 2019, chỉ sau một tuần đã thu về hơn 250 tỷ, thực sự một tín hiệu vui đối với các nhà đầu tư và sản xuất phim Việt Nam.
Phim Việt ra rạp đã có nhóm đối tượng khán giả riêng của mình, hoàn toàn có cơ hội thu về doanh số không kém các bom tấn nước ngoài, dĩ nhiên là phải đi cùng chất lượng phim tương xứng.
3. Không có chỗ cho phim “thảm hoạ” và “bê bối”
Song song với sự ổn định của số lượng phim và các kỷ lục từ phòng vé, một điểm sáng nữa trong nửa thập kỉ qua đến từ chính sự phản ứng của khán giả, của thị trường. Đã thoái trào rồi cái thời phim Việt chỉ cần có danh hài hay tài tử tiếng tăm là sẽ bán được vé. Khán giả điện ảnh rõ ràng đã “thông minh” hơn sau rất nhiều cú ngã đau vào “bẫy” của các nhà làm phim khi chất lượng sản phẩm không đi cùng hình thức quảng cáo. Chúng ta có những ví dụ sống động về sự thất bại cay đắng của “bom tấn” Fan cuồng (2015) từ bộ đôi Thái Hòa và Johnny Trí Nguyễn, hay sự nhạt nhoà của Hoán đổi (2018) dù có Nhã Phương, Việt Hương, Trấn Thành, Ngô Kiến Huy,… góp mặt.
Cùng với đó, thời của “PR bẩn” đã đi vào ngõ cụt, không có chỗ cho các tác phẩm câu khách bằng chiêu trò. Rõ ràng nhất là năm 2018, lùm xùm Kiều Minh Tuấn – An Nguy – Cát Phượng đã khiến Chú ơi đừng lấy mẹ con và Hạnh phúc của mẹ phải hứng chịu sự ghẻ lạnh của người xem, dĩ nhiên cùng thất bại phòng vé nặng nề.
Nhìn tới thành công về doanh thu của Em chưa 18 (2017) hay Em là bà nội của anh (2015), ta thấy rõ ràng đã hình thành một lớp khán giả mới đến với phim Việt vì chính sự tử tế, chỉn chu. Sẽ không có một thị trường phát triển nếu sự cố gắng chỉ đến từ một phía là người làm sản xuất. Vậy nên nói không ngoa khi khán giả – phía còn lại của thị trường, chính là nhân tố quyết định cho bộ mặt điện ảnh Việt Nam thời gian tới.
4. Thể loại phim đa dạng, song hài-tình cảm vẫn chiếm ưu thế phòng vé
Nhìn vào danh sách những phim Việt ăn khách nhất, ta thấy dòng phim hài-lãng mạn vẫn chiếm lợi thế với Gái già lắm chiêu 3 (2020) đạt 165 tỷ, Cua lại vợ bầu (2019) hơn 191 tỷ, Trạng Quỳnh (2019) thu 100 tỷ, Siêu sao siêu ngố (2018) với 109 tỷ,.. Chẳng trách không ít nhà đầu tư cho rằng phim Việt Nam muốn “thắng” nhất định phải có “hài”.
Nhưng, cũng là danh sách phim ăn khách trên, không hề thiếu sự hiện diện của những dòng phim khác. Hai Phượng và Mắt Biếc là minh chứng.
Phim Việt nửa thập kỉ qua không còn gói gọn trong những đề tài quen thuộc, những nhà làm phim đã dũng cảm khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, cùng thể loại phim đa dạng hơn. Chúng ta có những đầu phim chất lượng như: kinh dị bùa ngải có Thất sơn tâm linh (2019), Người bất tử (2018), khai thác nghệ thuật truyền thống có Song lang (2018), Dạ cổ hoài lang (2017), về sắc đẹp showbiz có Hoa hậu giang hồ (2019), tinh tế về đề tài đồng tính có Thưa mẹ con đi (2019), xuyên không – hoài cổ có Cô ba Sài Gòn (2017), phim ca nhạc có Mùa viết tình ca (2018), tình cảm anh em gia đình có Anh trai yêu quái (2019),… Sự đa dạng cần thiết đó khiến khán giả tin vào một diện mạo sẽ ngày càng tử tế và gần gũi của phim Việt.
5. Phim độc lập – phim nghệ thuật đã có đường đến gần với khán giả hơn
Tiếp tục một điểm sáng của điện ảnh Việt những năm gần đây là sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật và những nhà làm phim trẻ tuổi, tài năng, dám nghĩ dám làm. Dẫu còn không ít khó khăn và thách thức, thật đáng mừng khi những sản phẩm ấy đã có thể tìm được đường đến với khán giả đại chúng. Đó là Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè của Cao Thuý Nhi, Song Lang của Leon Quang Lê, Vai diễn đổi đời của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh, Đảo của dân ngụ cư của Hồng Ánh, Người vợ ba của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh, Thưa mẹ con đi của Trịnh Đình Lê Minh, Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi của Chung Chí Công, Ròm của Trần Thanh Duy,… và các dự án đáng ghi nhận khác. Nhờ sự chung tay của các tổ chức, các LHP trong và ngoài nước, các nhà phát hành phim,… cùng nỗ lực không ngừng của chính những người làm phim, tác phẩm đã xuất hiện trong những suất chiếu tại rạp, đã có cách để đến với khán giả của mình.
Dẫu biết nếu so sánh với các thị trường điện ảnh phát triển khác, đường đến với khán giả của đa số phim độc lập Việt Nam vẫn còn hẹp và tối, thế nhưng “cứ đi mãi thì sẽ thành đường thôi”. Những dự án đã mở đường đó chính là tiền đề, động lực và hy vọng khai phá con đường hình thành miền đất riêng cho dòng phim độc lập – nghệ thuật tồn tại ở Việt Nam.
6. Đa dạng các trào lưu làm phim
6.1. Làm phim remake
Cuối năm 2015, thành công phòng vé vang dội của Em là bà nội của anh với hơn 100 tỷ đã thúc đẩy dòng phim remake bùng nổ mạnh mẽ. Năm 2017 có Yêu đi, đừng sợ! được làm lại từ Spellbound (2011) và Sắc đẹp ngàn cân từ 200 Pounds Beauty (2006) của Hàn Quốc, Bạn gái tôi là sếp từ ATM: Er Rak Error (2012) của Thái Lan,…
Năm 2018 có tổng cộng 8 phim remake ra rạp, gồm Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Yêu em bất chấp, 100 ngày bên em, Hồn papa da con gái, Kế hoạch đổi chồng và Tìm vợ cho bà. Năm 2019 có Vô gian đạo và Anh trai yêu quái. Đầu năm 2020 này chúng ta vừa có Bằng chứng vô hình.
Nhóm tác phẩm chuyển thể khắc phục được điểm yếu trong khâu kịch bản còn nhiều lỗ hổng của phim Việt. Ngoài ra quá trình quảng bá phim cũng được hưởng lợi từ tiếng tăm của phim gốc. Dẫu vậy, bên cạnh Em là bà nội của anh và Tháng năm rực rỡ đại thắng phòng vé và được lòng khán giả, đa số các tác phẩm remake còn lại đều ít nhiều gây thất vọng. Có câu chuyện gốc xuất sắc là một chuyện, khiến câu chuyện đó trở nên gần gũi và đồng cảm được với người Việt lại là một thách thức khác.
Sắp tới, cùng hồi hộp đón chờ Tiệc trăng máu – tác phẩm remake từ kịch bản gốc được mua lại tới 18 lần, quy tụ dàn diễn viên đình đám của Việt Nam, liệu có làm “hồi sinh” lại chiến tích lẫy lừng của dòng phim này không.
6.2. Chuyển thể từ văn học Việt
Nói Việt Nam thiếu chất liệu để phát triển thành kịch bản phim điện ảnh xuất sắc là hoàn toàn sai lầm. Với chiều dài lịch sử 4000 năm, song song với sự phát triển văn hoá – nghệ thuật, chúng ta có một kho tàng văn học đồ sộ trải dài từ truyện cổ tích, sử thi, truyền thuyết, thần thoại, văn, thơ, chèo, tuồng,… Nguồn tài nguyên dồi dào này hoàn toàn có thể làm cảm hứng và chất liệu phát triển cho điện ảnh đương đại.
Thực tế, dòng phim chuyển thể đã manh nha từ năm 2010 với Cánh đồng bất tận dựa trên truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư, sau đó có Thiên mệnh anh hùng (2012), Dịu dàng (2014) hay Quyên (2015). Nhưng ở thời điểm này, các tác phẩm thường bị gán mác nghệ thuật, khó xem với khán giả đại chúng, hoặc không đạt doanh thu như kỳ vọng.
Để rồi năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh bùng nổ với hơn 77 tỷ đồng, mở đường cho lối đi thành công của dòng phim chuyển thể tại Việt Nam. Tiếp nối “vũ trụ truyện Nguyễn Nhật Ánh”, Cô gái đến từ hôm qua (2017) đạt doanh thu 70 tỷ đồng, còn Mắt biếc (2019) chạm mốc 180 tỷ. Biến tấu từ truyện dân gian Tấm Cám quen thuộc, Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân ra mắt năm 2016 cũng tạo được tiếng vang nhất định.
Cuối năm nay, Trạng Tí – phim chuyển thể từ bộ truyện tranh thiếu nhi nổi tiếng Thần đồng đất Việt của tác giả Lê Linh, và Kiều từ kiệt tác văn học Truyện Kiều của Nguyễn Du, hay sắp tới là Số đỏ từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng sẽ ra rạp, mang theo kỳ vọng tạo nên những phim điện ảnh chất lượng có kịch bản gốc từ văn học Việt Nam.
6.3 Từ phim trực tuyến ra rạp chiếu
Những năm gần đây, sự bánh trướng của YouTube với lượng người dùng khổng lồ, doanh thu quảng cáo béo bở, đã thúc đẩy thị trường làm phim trên nền tảng trực tuyến này phát triển. Từ đó, ra đời “xu hướng” mới tạm gọi là đưa thương hiệu phim YouTube ra rạp chiếu. Mở màn là sự thành công về doanh thu của Chị Mười Ba (2019) từ loạt phim YouTube Thập tam muội (2018) và Pháp sư mù (2019) từ Ai chết giơ tay (2018). Phim của Thu Trang mang về hơn 65 tỷ với kinh phí sản xuất 20 tỷ, và phim Huỳnh Lập đạt 60 tỷ phòng vé với kinh phí 17 tỷ.
Rõ ràng dòng phim này có thế mạnh về sức hút lớn với fan của sản phẩm gốc, tên phim đã thành “thương hiệu”, có độ nhận biết cao. Tuy nhiên, từ phim chiếu trên mạng đến phim chiếu ngoài rạp là một quá trình đầy thách thức, đòi hỏi nhà làm phim phải linh hoạt để đáp ứng được kỳ vọng của fan lẫn tiêu chuẩn của khán giả điện ảnh khó tính.
Dẫu vậy, gần đây các phim chiếu trực tuyến đã có chất lượng tốt hơn hẳn, có phim được đầu tư chỉnh chu không kém điện ảnh, như series Bố Già của Trấn Thành vừa làm mưa làm gió hồi đầu năm. Dõi theo sự phát triển của các phim trên nền tảng khác, là phim chiếu trực tuyến hay thậm chí phim truyền hình, để thấy điện ảnh cần phải học hỏi và vận động không ngừng theo dòng chảy của thời đại. Đồng thời chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào những tác phẩm điện ảnh phát triển từ thương hiệu phim trực tuyến cân bằng được cả yếu tố chất lượng lẫn sức hút khán giả.
Tạm kết
Trong bối cảnh một năm như 2020, việc ngồi xuống và sáng suốt nhìn lại những gì đã và chưa làm được là vô cùng cần thiết. Bên cạnh loạt điểm sáng nêu trên, dĩ nhiên còn có thể kể thêm những nốt nhạc vui khác như sự manh nha hình thành thế hệ diễn viên điện ảnh trẻ có thực lực, sự tăng trưởng của hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc, cùng miếng bánh thị phần ngành phim “phình” to hơn, với nhiều “tay chơi” mới gia nhập,…Dẫu vậy, chúng ta cũng không thiếu những nốt nhạc buồn. Phần chia sẻ và phân tích những điều còn chưa làm được ấy của phim Việt xin được phép dành cho bài viết tiếp theo.