Review Inside Out 2 là phần tiếp theo của bộ phim đình đám được phát hành cách đây 9 năm của Pixar. Bộ phim đã không làm người hâm mộ thất vọng khi đã mang đến một câu chuyện đầy cảm xúc, nắm bắt một cách tuyệt vời bản chất của quá trình trưởng thành, “lớn lên” của nhân vật chính Riley.
Nội dung của Inside Out 2:
Bộ phim Inside Out 2 tiếp tục đi sâu vào những cảm xúc ở tuổi mới lớn của cô nàng Riley Andersen (Kensington Tallman) bằng cách giới thiệu lại một lần nữa các nhân vật đại diện cho những cảm xúc ở Trung khu não bộ của Riley bao gồm Joy (Vui Vẻ), Anger (Giận Dữ), Disgust (Chán Ghét), Fear (Sợ Hãi) và Sadness (Buồn Bã). Mọi thứ dường như được vận hành khá tốt theo sự chỉ huy của Joy.
Tuy nhiên khi Riley bước vào sinh nhật thứ 13, tốt nghiệp cấp 2 và sắp bước vào cấp 3 với rất nhiều những thay đổi. Đặc biệt đây cũng là giai đoạn dậy thì với nhiều cảm xúc hỗn độn khác nhau lần lượt xuất hiện như: Envy (Ghen Ty), Ennui (Chán Nản), Embarrassment (Xấu Hổ) và Anxiety (Lo Lắng). Những cảm xúc này nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát Trung khu não bộ của Riley, đặc biệt là vào thời điểm khi cô được huấn luyện viên địa phương mời tham gia buổi thử sức đội khúc côn cầu FogHorn.
Review Inside Out 2: Có lẽ đây là điều sẽ đến khi bạn lớn lên: bạn sẽ ít cảm thấy vui vẻ hơn!
Nếu phần đầu của bộ phim giới thiệu cho người xem những cảm xúc cơ bản trong Trung khu não bộ của Riley thì Inside Out 2 sẽ có thêm nhiều cảm xúc phức tạp hơn xuất hiện và ngay cả người xem cũng cảm nhận được rằng việc điều khiển tâm trí lúc này thật sự khá hỗn loạn. Và các cảm xúc mới này hầu như không đem đến cảm giác tích cực cho lắm đối với Riley. Đó cũng là cảm nhận của Joy.
Trước đó sự tích cực của Joy đã giúp cuộc sống của Riley diễn ra trôi chảy. Mọi thứ được giữ ở trạng thái cân bằng vui vẻ khi Joy ném tất cả những điều tiêu cực vào một hố sâu, ngay cả những cảnh báo dậy thì của Riley. Tuy nhiên khi những cảm xúc mới xuất hiện và các sự kiện dồn dập diễn ra khiến sự cân bằng này bị phá vỡ và mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát của Joy. “Sự tích cực” bấy lâu nay đã bộc lộ những “độc hại” tiềm ẩn và Joy bộc lộ những điều đi ngược lại tính cách của mình.
Mặc dù Inside Out 2 là bộ phim hoạt hình nhưng câu chuyện của bộ phim vẫn dễ dàng chạm đến những người trưởng thành, đặc biệt là những ai từng trải qua những cảm xúc phức tạp khi tìm kiếm con người của chính mình, về sự trưởng thành và hoà nhập. Inside Out 2 đã lựa chọn Anxiety (Lo Lắng) là cảm xúc chiếm trọng tâm trong giai đoạn dậy thì của Riley.
Điều này thúc đẩy những suy nghĩ và hành động đi ngược lại với bản chất thật sự của Riley và từ đó cho thấy những vấn đề nghiêm trọng về sự căng thẳng, việc thiếu tự tin và đánh mất chính mình. Một điều khác cũng khiến tinh thần của Riley dễ bị lung lay đó là vì Joy (Vui Vẻ) đã không cho cho Riley tập đối diện với những sai lầm, khó khăn trước đó. Nhờ đó cuộc chạy đua của cả hai yếu tố cảm xúc này trở thành hành trình xác định danh tính khá cảm động của Riley trong Inside Out 2.
Các yếu tố hình ảnh của Inside Out 2 đều khá tuyệt vời. Bộ phim đã tạo ra những cấu trúc độc đáo, giống như một mô hình tinh thần về bộ não thực sự. Với tất cả các đơn vị lưu trữ, các công nhân đang cố gắng xây dựng và đặt mọi thứ vào đúng vị trí, những ký ức bí mật được khoá lại, sự hoài niệm dễ thương ở độ tuổi này… Cá nhân khá thích đoạn khi mà khu Vực Xéo Xắt được tạo ra.
Inside Out 2 đã có một cái kết rất đẹp mặc dù đôi khi có cảm giác hơi ôm đồm vì có khá nhiều nhân vật xuất hiện. Thông qua hành trình của những cảm xúc mới và cũ, Riley nhận ra rằng mọi cảm xúc, bao gồm cả những cảm xúc khó khăn, đều đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành danh tính của mình và giúp cô bé vượt qua những rắc rối của tuổi thiếu niên. Bộ phim Inside Out 2 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đón nhận mọi cảm xúc để thực sự hiểu được bản thân.
- Moana 2 cuộc phiêu lưu ngoài đại dương đến những vùng lãnh thổ chưa được khám phá
- Despicable Me 4 (Kẻ Cắp Mặt Trăng 4) cuộc chiến mới của gia đình Gru và các Minions