Khi đã xem đến những phân cảnh gần cuối của ‘Ròm’, cái cảm giác vừa chân thực vừa có chút xa lạ cứ trộn lẫn vào nhau thật khó mà diễn tả. Cứ nghĩ giá như đạo diễn có thể thêm một vài ghi chú ở đầu phim về khoảng thời gian mà câu chuyện diễn ra thì sẽ hợp lý, bớt gượng ép hơn và thật may, một dòng ghi chú nhỏ cuối phim đã làm điều đó.
Được biết đạo diễn Trần Thanh Huy đã viết kịch bản dài của Ròm vào khoảng thời gian 2014 và phim được thực hiện từ 2016 đến 2018. Thậm chí phim còn dựa vào một vài ký ức lúc nhỏ của chính đạo diễn nên nếu đặt bối cảnh và các tình huống phim vào thời điểm đó thì cái nhìn gay gắt mà bộ phim mang lại sẽ có cảm giác hiện thực hơn so với hiện tại, mặc dù không thể phủ nhận rằng các vấn đề liên quan đến số đề vẫn đang diễn ra hằng ngày.
Những đánh giá tích cực từ các suất chiếu sớm không sai khi dành cho Ròm những nhận xét có cánh. Quả thật Ròm là một bộ phim Việt độc đáo và xuất sắc trong nhiều năm trở lại đây. Đồng thời tin rằng bộ phim sẽ được nhắc đến như một hình mẫu đặc biệt trong những câu chuyện về điện ảnh Việt Nam sau này.
Những nét hấp dẫn của Ròm:
Đề tài: Ròm lấy bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn, kể về một cậu nhóc vừa đi bán kết quả xổ số vừa làm “cò đề” để kiếm sống qua ngày.
Nội dung bộ phim chỉ ngắn gọn như vậy nhưng có lẽ nếu không phải là Trần Thanh Huy thì sẽ khó có một ai khác có thể kể câu chuyện này một cách trực tiếp và thẳng thắn như vậy. Phim không phê phán hay trực tiếp bày tỏ thông điệp gì về số đề, chỉ là thông qua đó để kể về những câu chuyện cuộc đời của những người nghèo khổ trong xã hội.
Những đoạn thoại mô tả ban đầu phim đã giúp ích khá nhiều đối với những khán giả chưa nắm rõ về cách thức vận hành mà các tổ chức và người chơi số đề tồn tại, bất chấp việc nhà nước tìm cách dẹp bỏ. Xuyên suốt phim có rất nhiều câu chuyện, nhiều câu thoại và hình ảnh mô tả những người dân lao đông loay hoay tìm cách đổi đời thông qua những con số. Sẽ có người đồng cảm nhưng cũng có người cho rằng việc lấy chuyện nghèo khổ để bao biện cho việc chơi số đề có chút khiên cưỡng và hơi áp đặt. Tuy nhiên không thể phủ nhận một khía cạnh mà bộ phim nói đến, đó là việc trẻ em bị lợi dụng, bị người lớn dẫn dắt trở thành công cụ trong việc vận hành đường dây chơi số đề. Đây là một vấn đề nhạy cảm trong xã hội và Ròm đã trở thành bộ phim điện ảnh độc đáo khi khai thác mọi thứ xung quanh vấn đề này một cách dễ chịu.
Xây dựng nhân vật với những nét tương phản thú vị và đa dạng: Ròm và Phúc đều có mảnh đời cơ cực giống nhau, đều tranh đấu và mưu sinh giống nhau thế nhưng cả hai lại là những gam màu hoàn toàn khác biệt. Nếu như Phúc lanh lợi, hoạt bát và có phần khôn ngoan, vừa sống vừa tận hưởng, cũng có ước mơ nhưng không quá mạnh mẽ thì Ròm lại mang những nét tính cách có phần đối lập. Ròm có thể nói là ngây thơ hoặc có chút khù khờ “bác học”. Cậu biến những con số may rủi thành những dự án nghiên cứu nhỏ và tạo cho mình một công việc vô cùng nghiêm túc. Nếu biến ước mơ của người khác thành công thì ước mơ của cậu cũng có khả năng thành hiện thực. Trong vô số những giấc mơ vật chất sinh tồn khác, Ròm gây thiện cảm, sự thương xót của khán giả khi cố gắng hết sức vì giấc mơ bình thường của mình.
Diễn xuất của các bạn trẻ Trần Anh Khoa và Anh Tú Wilson thật sự rất tốt khi vừa giữ được chất đời thường vừa hoá thân hết mình vào các nhân vật. Từ lời thoại, đến tiếng cười, sự tuyệt vọng, giận dữ… của hai bạn trẻ đều khiến khản giả đồng cảm, thương xót.
Những nhân vật khác trong phim đều có nét tính cách khác nhau, đều có các góc khuất và những câu chuyện của riêng họ. Cho dù không đi sâu vào khai thác nhưng mỗi người đều được phát hoạ những nét tính cách rất riêng. Họ có thể là một trong những kiểu người mà ta sẽ bắt gặp hoặc nhìn thấy đâu đó trong cuộc sống.
Cách kể chuyện lạ: Nếu bạn chờ đợi một điều gì đó giống như những bộ phim được viết theo cấu trúc ba hồi có mở đầu, có cao trào và kết thúc, với các vấn đề được giải quyết trọn vẹn thì sẽ cảm thấy Ròm hơi xa lạ. Ròm bắt đầu bằng những lát cắt nhanh về các mảnh đời xuất hiện trong phim, về các con số, về cuộc đời của nhân vật Ròm đan xen qua những hình ảnh quá khứ và hiện tại. Cách kể chuyện bằng hình ảnh kiểu vậy lặp đi lặp lại qua vài sự kiện khác trong phim, khiến nhịp phim trở nên dồn dập và liên tục. Điểm hay trong cách kể này chính là không làm bộ phim rơi vào kiểu “than thân trách phận” thông thường mà vẫn truyền tải được nhiều điều, nhiều câu chuyện khác nhau, trở nên điện ảnh hơn.
Cách kể chuyện này không thường thấy ở các bộ phim nên với một số ít khán giả sẽ cảm thấy không quen nhưng dẫu vậy, bạn vẫn dễ dàng bị cuốn theo câu chuyện trong phim. Đặc biệt hình ảnh đan xen liên tục của Ròm lúc nhỏ và hiện tại, đối mặt với những tình huống diễn ra tương tự nhau khiến cho khán giả hình dung về một vòng lặp không biết đến khi nào sẽ kết thúc.
Cảnh quay và màu sắc phim: Cho dù có thích câu chuyện của Ròm hay không thì bạn vẫn không thể phủ nhận từng khung hình trong phim luôn khiến bạn thật sự rung cảm. Các phân cảnh được chăm chút từ bố cục đến góc máy. Cách máy quay chuyển động thật sự đẹp và mang nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc. Trong đó phải kể đến phân cảnh Ròm và Phúc đánh nhau dưới cây cầu, bên trên dòng xe cộ vẫn di chuyển như bình thường, không mảy may hay biết gì về chuyện đang xảy ra bên dưới. Dù chỉ là một khoảnh khắc nhỏ nhưng hình ảnh này mang đến những cảm xúc thật sự mạnh mẽ về các tầng lớp trong xã hội. Ngoài ra khung cảnh diễn viên Cát Phượng thổi tắt ánh lửa cũng mang đến nhiều cảm xúc day dứt khi mô tả sự nghèo khổ khiến con người chấp nhận vứt bỏ lương tâm.
Bộ phim với các khung hình nghiêng đã được sử dụng cực kỳ ấn tượng để mô tả cảm giác chông chênh của các nhân vật trong phim. Nhiều hình ảnh về cảnh vật, con người tạo một góc nghiêng với hình ảnh bầu trời, đi cùng màu sắc ấn tượng đã thật sự tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ như những cảnh Ròm ở trên mái nhà, cảnh Ròm và Phúc ngồi trên chiếc xe khách,… Hay đôi khi đó chỉ là một góc vỉa hè bình thường mà nhân vật Ròm đi qua đi lại nhưng kết hợp cùng với máy quay di chuyển nhẹ nhàng, tạo cảm giác như một quả lắc cuộc đời đầy chông chênh, khiến thước phim trở nên vô cùng mới lạ.
Điểm chưa hài lòng về bộ phim:
Nếu có một điều muốn chia sẻ về Ròm thì có lẽ là một vài yếu tố độc đáo tạo nên sự hấp dẫn ở bộ phim đã được sử dụng quá nhiều. Những cuộc rượt đuổi chân thực, căng thẳng thật sự nhưng nó lặp đi lặp lại. Các nhân vật chạy ngay từ đầu phim và cứ thế, cứ mải miết chạy. Cả một phim dài chỉ duy nhất hai lần khán giả cảm thấy các nhân vật được ngừng lại là lúc xóm trọ trúng đề và khi kết phim. Mặc dù là dụng ý nhưng lại có cảm giác được khai thác quá nhiều và quá gay gắt. Nếu các yếu tố khác như bối cảnh, góc máy, nhịp điệu, màu sắc bị bỏ qua, thì bộ phim sẽ dễ dàng bộc lộ ra những thiếu sót trong cốt truyện và trong cách truyền tải cảm xúc đến người xem.
Sau khi xem hết bộ phim cứ có cảm giác bứt rứt, cảm thấy có gì đó chưa đủ. Giá như bộ phim có thể dành thêm chút thời gian cho những phân cảnh tình cảm giữa người với người được khai thác sâu hơn. Những mối quan hệ cần được xây dựng nhiều cảm xúc hơn để người xem còn cảm thấy đau lòng khi nó sụp đổ hoặc cảm động khi ai đó lại gần và ngồi xuống bên cạnh.