Trong những ngày cách ly dài, không có dấu hiệu dừng lại, rất nhiều câu chuyện và nhiều sự kiện diễn ra không chỉ bên ngoài mà ngay cả trên mạng xã hội. Một cú nhấp chuột vào hashtag #14daysofmovies dẫn bạn đến một không gian kỳ lạ, có chút tách biệt với mọi thứ bên ngoài. Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều chia sẻ về các bộ phim mà mình đã từng xem trước đây hoặc hoàn toàn xa lạ trước đó, qua góc nhìn của những khán giả yêu phim.
#14daysofmovies là một thử thách, một động lực với những người đam mê điện ảnh, để mở rộng sự đa dạng trong thư viện phim riêng của mình, được chia sẻ góc nhìn của bản thân với một cộng đồng có chung tình yêu điện ảnh.
Và người tạo ra thử thách #14daysofmovies cũng như không gian điện ảnh tách biệt rất riêng của Lalarme Cinema không ai khác, là cây bút từng cộng tác rất nhiều tờ báo, trang điện tử, các trang fanpage về điện ảnh, Tuấn Lalarme.
Cùng Koicine trò chuyện với anh về cái “duyên” bắt đầu tình yêu điện ảnh và những gì anh đã tạo dựng cùng cộng đồng những người yêu phim nhé.
Tuấn giới thiệu một chút về bản thân mình được không?
Tuấn Lalarme: Tôi có một thời gian khá dài làm việc bên mảng báo chí, khoảng 7,8 năm chuyên về phê bình phim hầu như đã từng cộng tác với nhiều tờ báo ở Việt Nam, hiện đang phụ trách phần marketing cho BHD, chủ yếu tập trung vào các dự án phim ảnh của BHD, một số chương trình gameshow và mảng marketing liên quan khác.
Nếu giới thiệu mọi người về Tuấn thông qua một số tựa phim thì lựa chọn nào giúp mọi người dễ hình dung nhất về mình?
Tuấn Lalarme: Chắc đầu tiên là Inside Llewyn Davis (2013) của anh em nhà Coen, một trong những tác phẩm mà tôi yêu thích nhất thế kỷ 21. Tôi tự thấy có hình ảnh của chính bản thân trong đó, một người vật lộn với cái đam mê mà không biết đi về đâu, tương lai mù mịt. Inside Llewyn Davis là bộ phim đã thể hiện được một phần giai đoạn sau khi tốt nghiệp đại học của tôi.
Bộ phim thứ hai là Boyhood (2014) của Richard Linklater, bộ phim đặc biệt mà tôi đã ra rạp xem 3 lần liên tiếp trong 3 ngày khi còn ở Pháp. Bộ phim có nội dung đơn giản nhưng tôi có sự đồng cảm về tuổi trẻ, ngày bé của mình thông qua quá trình trưởng thành của nhân vật Mason trong phim.
Bộ phim yêu thích thứ ba là Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004) của Michel Gondry, một bộ phim về tình yêu. Tôi cảm thấy bản thân gần giống với nhân vật nam chính trong phim, hơi lụy một chút và luôn luôn muốn dành tất cả cho tình yêu.
Tuấn bắt đầu xem phim năm bao nhiêu tuổi?
Tuấn Lalarme: Thật ra tôi thích xem phim từ lâu nhưng lúc ấy chỉ xem phim thôi, thường hay đợi những bộ phim hay được giới thiệu trên Điện Ảnh Cuối Tuần trên VTV, quan tâm đến các chủ đề mà mọi người bàn luận về phim nhưng lúc đó tôi chưa có nhiều khái niệm về điện ảnh. Lúc đó tôi chỉ thấy những bộ phim Âu Mỹ này hay và khác với những phim truyền hình kiếm hiệp, cổ trang, phim Hàn Quốc thường được chiếu vào thời điểm đó.
Cho đến năm thứ nhất hay thứ hai ở đại học thì tình cờ tôi có đọc thông tin trên một tờ báo về Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), rằng ở đó có một thư viện điện ảnh gồm nhiều đĩa DVD gốc. Bất cứ ai cũng có thể thư viện để chọn phim và xem. Vậy là tôi tò mò và cũng đã đến đó. Tại TPD thì lúc đó có nhiều không gian riêng để mỗi người có thể thưởng thức những bộ phim hay. Nhờ đó mà tôi bắt đầu biết đến một thế giới điện ảnh hoàn toàn mới lạ so với trước đây, từ những bộ phim mà không thể tìm thấy trên truyền hình. Tôi được một số người yêu phim ở đó giới thiệu về Kim Ki Duk, Stanley Kubrick… những bộ phim hay giúp bản thân có cái nhìn rất khác và tôi đã bắt đầu mê điện ảnh như thế.
Vậy là Tuấn bắt đầu làm những hoạt động liên quan đến phim ảnh vào lúc ấy luôn đúng không?
Tuấn Lalarme: Ban đầu tôi muốn chia sẻ và viết giới thiệu về các bộ phim nên có hoạt động khá năng nổ ở một số forum dành cho người yêu điện ảnh, trong đó có HDvnbits, một forum dành cho người thích sưu tầm phim qua… sau đó thì cộng tác và viết bài cho các báo, các trang điện tử về điện ảnh, blog của tôi, đâu đó chắc tầm 500 bài gì đó.
Tuấn có định sử dụng những nội dung này để tổng hợp lại thành sách không?
Tuấn Lalarme: Chắc là không. Thật ra cũng có một số nhà xuất bản nhỏ, một số bên liên hệ về chuyện này nhưng tôi không thích lắm việc xuất bản lại những gì tôi đã viết.
Bộ phim gần nhất mà Tuấn xem là phim nào?
Tuấn Lalarme: Phim hoạt hình The Breadwinner (2017) do Nora Twomey đạo diễn, một bộ phim về chế độ Taliban, cấm phụ nữ ra ngoài mà không có người thân nam giới, đi cùng. Khi bố mình bị bắt thì để giúp việc sinh hoạt cho gia đình nên cô bé Parvana, 11 tuổi trong phim phải cắt tóc và giả làm con trai, song song với đó thì cô bé còn đến nhà tù tìm cách cứu cha mình. Trước đây thì tôi cũng xem bộ phim The Secret of Kells của Nora Twomey, nét vẽ, màu sắc và câu chuyện cũng rất ấn tượng. The Breadwinner là một bộ phim nằm trong thử thách xem phim #14daysofmovies mà tôi chọn xem, một bộ phim hoạt hình không dành cho trẻ em.
Thể loại phim mà Tuấn yêu thích là gì?
Tuấn Lalarme: Tôi thích xem phim về tâm lý con người, thường chọn những thể loại drama đi sâu vào cá nhân và bản thể của mỗi người, về mối quan hệ giữa người với người mà nó gần gũi với cuộc sống. Cảm giác khi xem những bộ phim đó, có thể giúp cho bạn nhìn nhận lại cuộc sống sâu sắc và nhiều chiều hơn về những điều mà mình đã bỏ sót, chứ không chỉ những khía cạnh hời hợt ở bề mặt. Cũng dễ cảm thông hơn với những nhân vật trong phim, nó giúp tôi điều chỉnh lại bản thân ở các mối quan hệ ngoài xã hội, cố gắng khi nhìn một vấn đề không bị định kiến hay nhìn mọi thứ đơn giản, một chiều quá.
Vậy là phim ảnh có tác động nhiều với tính cách của Tuấn không?
Tuấn Lalarme: Tôi nghĩ là nhiều. Thông qua phim ảnh và sách thì tôi thấy mình thay đổi khá nhiều trong cách sống. Đó cũng là lý do mà tôi giới thiệu nhiều những bộ phim hay mà tôi thích xem cho mọi người. Có những bộ phim cũ, những phim kinh điển rất hay, nhiều người đã xem qua nhưng cũng có nhiều khán giả chưa biết đến. Vậy nên thông qua việc chia sẻ những bộ phim, tôi nghĩ những tác phẩm này sẽ được nhiều người biết đến hơn. Tôi cũng cảm thấy vui hơn và cũng là lý do tôi chọn viết về phim.
Diễn viên yêu thích nhất của Tuấn sẽ như thế nào?
Tuấn Lalarme: Ngày xưa mình thích chị Kate Winslet, thích từ bộ phim Quills (2000) mà mình tìm thấy trong thư viện TPD. Lúc ấy mình thấy Kate Winslet rất là khác, rất trẻ. Trong phim cô hoá thân vào vai người phục vụ trong trại thương điên nơi có hầu tước Sade – một nhân vật khá nổi tiếng trong lịch sử nước Pháp chuyên viết tiểu thuyết khiêu dâm. Tôi thấy diễn xuất của Kate Winslet trong phim rất xuất thần, cực kỳ hấp dẫn từ khuôn mặt đến thần thái, mặc dù tôi nghĩ gương mặt chị ấy không phải kiểu quá xinh đẹp, quyến rũ đàn ông mà thu hút theo kiểu về mặt trí tuệ và khả năng thu hút người khác. Sau khi xem phim ấy thì tôi rất là thích Kate Winslet và tìm xem thêm nhiều phim khác. Một phim khác mà Kate Winslet đóng cùng Leonardo DiCaprio là Revolutionary Road mà tôi cũng rất thích.
Tôi cũng thích Lương Triều Vỹ, thích từ hồi xem Happy Together và trong những bộ phim khác. Anh ấy là một diễn viên có diễn xuất hấp dẫn theo kiểu không cần phải nói quá nhiều nhưng luôn luôn tạo một sự thu hút. Tôi thích diễn xuất của những diễn viên Hồng Kong ngày xưa, cũng thích cả Trương Mạn Ngọc. Ngoài ra thì còn một số diễn viên huyền thoại như Marlon Brandon, Daniel Day-Lewis,…
Có nhà làm phim nào khiến Tuấn ấn tượng?
Tuấn Lalarme: Tôi thích Stanley Kubrick, cảm giác ngôn ngữ điện ảnh của ông ấy cực kỳ độc đáo và ông ấy cũng giỏi trong việc tạo nên các bộ phim có đề tài khác nhau từ kinh dị, chiến tranh, tâm lý, sử thi…, phim nào cũng trở thành những tác phẩm thuộc hàng kinh điển của thế giới. Tôi cảm thấy đó là một người cực kỳ tài năng và cực kỳ tài giỏi. Những bộ phim của Stanley Kubrick cuốn hút về mặt hình ảnh vì xuất phát điểm cũng là một nhà nhiếp ảnh, thành ra các khung hình của Stanley Kubrick rất là xuất sắc. Chẳng hạn như Barry Lyndon (1975), lấy bối cảnh phong kiến châu Âu, mỗi khung hình trong phim đều đem lại cảm giác giống như một bức tranh nghệ thuật, rất đẹp, rất ấn tượng và cực kỳ chỉn chu về set up bối cảnh, trang phục, diễn viên… Tôi cảm thấy Stanley Kubrick là một nhà làm phim hoàn hảo ở mọi khía cạnh.
Gần đây Tuấn có tạo một challenge #14daysofmovies và thúc đẩy mọi người xem các bộ phim theo nhiều hướng khác nhau. Tuấn có thể chia sẻ thêm về cộng đồng những người yêu phim và tham gia những thử thách này không?
Tuấn Lalarme: Thật ra tôi không phải là một người quá “social”, những thứ bản thân làm thì chỉ lầm lũi làm vậy thôi, càng giới thiệu được nhiều người càng tốt. Mục đích ban đầu muốn viết về phim là để giới thiệu đến nhiều người chứ không nghĩ đến vấn đề thương mại nào cả. Bắt đầu từ các diễn đàn, blog và giờ là facebook. Sau thời gian viết thì tôi có quen bạn bên Mann Up và làm chủ mục phim bên ấy, từ đó bắt đầu xây dựng một cộng đồng yêu phim riêng.
Được biết là Tuấn đang xây dựng cộng đồng yêu phim trên Muzu và Lalarme Cinema, Tuấn chia sẻ thêm được không?
Tuấn Lalarme: Thật ra cộng đồng của Muzu thì sẽ theo hướng giới thiệu những bộ phim mới, những bộ phim sẽ hỗ trợ cho rạp chiếu phim thuần tuý về mặt thị trường. Đó là một khía cạnh riêng làm để phục vụ mục đích cho công việc chứ không phải đơn thuần là đam mê như Lalarme Cinema.
Lalarme Cinema được thành lập từ những bạn trẻ đam mê và hỗ trợ mình rất nhiều, từ fanpage, website,… Lúc bắt đầu có bạn giúp tôi code trang website, có bạn giúp biên tập bài viết, có bạn giúp đăng bài và những vấn đề khác. Tôi và mọi người thường chia sẻ mọi thứ qua các nhóm nhỏ trên Messenger rất là vui. Hiện tại hai người em hỗ trợ lúc ấy vẫn đang đồng hành cùng tôi. Và chúng tôi thành một gia đình nho nhỏ, nói chuyện chia sẻ với nhau hằng ngày.
Trong cộng đồng yêu phim nhỏ này Tuấn đã tạo ra những thử thách xem phim khá thú vị, Tuấn có thể chia sẻ thêm về điều này không? Có phải xuất phát từ việc cần phải làm gì đó trong đợi giãn cách năm nay?
Tuấn Lalarme: Một phần là vậy, nhưng có một lý do nữa là tôi cảm thấy, khi mọi người bị bắt phải làm một cái gì đấy thì sẽ chịu khó làm hơn, ngay cả xem phim cũng thế. Nếu như không có động lực nhiều người sẽ không tìm xem những bộ phim khác với các bộ phim mới gần đây, hay những phim phổ biến trên truyền hình, Netflix. Từ đó tôi nghĩ là mình thử làm challenge #14daysofmovies xem có ai tham gia không, để mọi người có thể xem những bộ phim cũ ngày xưa cho vui, tại vì tôi vẫn thích giới thiệu những bộ phim cũ hơn.
Thử thách đầu tiên là xem phim trước năm 2000, không nhiều bạn tham gia lắm nhưng sang thử thách thứ hai thì có nhiều bạn tham gia hơn, và tôi cũng chia chủ đề cho từng mục. Điều tích cực trong thử thách này đó là mọi người sẽ tìm để xem những bộ phim mà họ đã bỏ qua, hoặc lảng tránh chưa muốn xem. Ngay cả những bộ phim nổi tiếng mà mọi người nghe rất là nhiều nhưng không có động lực xem vì nó là phim cũ. Tôi cũng vậy, nhiều bộ phim bản thân muốn xem nhưng thấy chưa có duyên với nó thì tôi không xem và khi một cái duyên nào đấy nó đến thì sẽ xem. Vậy nên thông qua những thử thách này, tôi muốn tạo ra cái duyên đấy cho mọi người để xem những bộ phim như vậy.
Thêm nữa, những người xem sẽ chịu chia sẻ và giúp nhiều người biết thêm về các bộ phim khá là lạ, cũng có nhiều bạn giới thiệu những bộ phim mà tôi cũng chưa bao giờ nghe tên. Nó cũng làm cho group hoạt động sôi nổi hơn, mọi người cũng không ngại việc viết cảm nhận, review về các bộ phim cho những người khác.
Tuấn có cảm thấy Lalarme Cinema hơi tách biệt với những cộng đồng phim ảnh hiện tại không? Lalarme Cinema như một thế giới riêng, những chia sẻ về điện ảnh theo một cách khác, không bị cuốn vào những câu chuyện quá trend.
Tuấn Lalarme: Tôi nghĩ Lalarme Cinema khá giống với người lập ra nó *cười*. Tại vì tôi cũng muốn một cộng đồng như vậy nên là sẽ cố gắng xây dựng nội dung xoay quanh những điều thuần về điện ảnh, không muốn xô bồ đưa tin này tin kia, theo hướng tin tức. Mà sẽ tập trung vào việc giới thiệu, mục đích chính là muốn mọi người có gu phim giống nhau thì tìm thấy nhau và chơi cùng nhau. Sau một thời gian tham gia các cộng đồng thì tôi cảm thấy việc muốn những quan điểm khác nhau trong cùng một nhóm là một điều khá vô nghĩa. Thành ra tôi muốn có một nơi mà những người cùng quan điểm sẽ chơi với nhau mà không cần phải tranh cãi.
Quan điểm của Tuấn có phần khác biệt khi mà những cộng đồng bây giờ thích các quan điểm trái chiều, tăng sự chú ý và có nhiều tương tác?
Tuấn Lalarme: Đúng là hiện giờ có nhiều cộng đồng như vậy, nó liên quan đến mục đích thương mại nhưng mà Lalarme Cinema thì kiểu là nơi tôi dành đam mê cho nó, nên là không muốn đi theo những hướng kia cho lắm. Thật ra có nhiều người cũng đăng ký tham gia group nhưng mà nếu không trả lời các câu hỏi phù hợp thì sẽ không được duyệt vào Lalarme Cinema.
Sau thử thách #14daysofmovies, Tuấn có dự định gì khác không?
Tuấn Lalarme: Thực ra những thử thách này cũng thú vị, nó cũng giúp tôi duy trì thói quen xem phim. Bởi vì công việc hiện tại của tôi không có nhiều thời gian dành cho đam mê này, nên việc tổ chức xem những bộ phim cũ tại rạp, tạo ra các thử thách cũng là cơ hội để tôi và mọi người xem những bộ phim hay, có động lực để xem lại những bộ phim mà mình muốn xem. Nên chắc là tôi sẽ làm một cái gì đó khác nữa sau những hoạt động này.
Từ một người xem phim chuyển sang vị trí làm việc trong ngành phim, Tuấn có gì thú vị hay có gặp trở ngại gì ảnh hưởng đến tình yêu xem phim của mình không?
Tuấn Lalarme: Ngày xưa chỉ làm cho Muzu, ngoài việc gặp một số đối tác thì tôi chỉ tập trung xem phim thôi, một giai đoạn khá là đẹp, tôi được xem phim khá nhiều phim. Sau này thì công việc đặc thù hơn, nhiều hơn nên việc xem phim cũng ít đi, nó cũng ảnh hưởng đến việc viết nữa. Nhưng với tôi bước chuyển này khá tự nhiên và cũng là một cái duyên. Vì trước đó tôi là người viết chính ở mục phim bên báo Tuổi Trẻ và có dự định theo đuổi công việc báo chí nhưng vì vài lý do khách quan việc này bị hoãn lại. Tôi dự định viết sách trong thời gian đó nhưng công việc viết lách cần thời gian khá dài. Trong lúc đó thì tôi bắt đầu vào làm ở BHD, khối lượng công việc mới cũng khiến việc viết lách này dừng lại.
Khi làm trong lĩnh vực truyền thông thì nó có làm cho Tuấn cảm thấy cái sự gần gũi của mình với ngành phim, đặc biệt là điện ảnh Việt Nam nó lớn hơn không? Nó có thôi thúc Tuấn muốn làm phim hay muốn tham gia vào một khâu nào đó trong một bộ phim Việt Nam không?
Tuấn Lalarme: Lúc còn viết báo tôi có nghĩ về chuyên phát triển việc phê bình phim của mình, sau này muốn trở thành một nhà nghiên cứu, phê bình thôi chứ không định tham gia vào chuyện làm phim. Và khi bắt đầu công việc mới thì tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người làm phim hơn, xem những bộ phim Việt Nam nhiều hơn lúc đó mình mới thấy là việc bản thân chỉ ở ngoài nhìn vào thì có thể nó không đủ và mình cần phải sâu sát hơn nữa. Nên là từ đấy thì tôi cũng có cái suy nghĩ tiếp cận gần gũi hơn nữa với việc làm phim.
Có hai vị trí mà tôi muốn làm đó là biên kịch hoặc là tự sản xuất và đạo diễn cho bộ phim của mình. Tại vì tôi nghĩ là tôi sẽ không làm một bộ phim theo kiểu để bán vé mà nó sẽ mang tính cá nhân nhiều hơn. Điều đó phù hợp hơn với việc tôi tự viết và tự làm một bộ phim của tôi. Tôi nghĩ là cũng có nhiều người đi theo con đường này giống mình. Ước mơ này có phần hơi viển vông. Tuy nhiên thì việc trở thành một người làm trong lĩnh vực điện ảnh cũng từng là một suy nghĩ viển vông của tôi thời sinh viên rồi, nên biết đâu.
- Cùng Avin Lu và Hồ Thu Anh trò chuyện về ‘Sài Gòn Trong Cơn Mưa’
- Lee Isaac Chung phác thảo nên Minari dựa vào 80 ký ức tuổi thơ