‘Run’ theo đúng nghĩa đen: ‘Trốn Chạy’, sẽ khiến người xem tham gia vào một hành trình trốn chạy vô cùng nghẹt thở của cô bé Chloe với chính người mẹ luôn dành tình yêu và sự quan tâm đến cô.
“Tình yêu vô điều kiện: Tình yêu không cầu danh lợi hay đòi hỏi bất cứ gì lại cho bản thân, loại tình yêu chân thật và thuần túy nhất.”
Điều gì quá nhiều quá đều có thể trở thành một con dao hai lưỡi, kể cả là tình yêu. Một thứ tình cảm mãnh liệt nhất, nếu không biết tiết chế đặt đúng chỗ, cũng có thể trở thành sự cực đoan. Vô tình biến những điều tốt đẹp thiêng liêng nhất thành một con dao sắc nhọn nhỏ bé và vô hình, găm từ từ, nhẹ nhàng và chí mạng vào những người thân yêu.
Một cái chết chậm, vô hình và không đau đớn, làm đối phương không hề hay biết. Đó là những gì Chloe phải hứng chịu từ người mà mình tin tưởng và yêu quý nhất, chính là người mẹ của mình trong Run-Trốn Chạy.
Chloe là một cô gái bị bại liệt từ nhỏ, cô còn mắc hàng tá bệnh như hen suyễn, bệnh phát ban, tim… Cô không thế sống một cuộc sống bình thường và phải luôn có người bên cạnh để hỗ trợ, mà người duy nhất luôn ở bên cô chính là người mẹ. Mẹ là người đã bỏ hết các thú vui hằng ngày chỉ để chăm sóc cho Chloe, luôn bên cạnh và bảo vệ cô.
Mẹ là người cô tin tưởng nhất trên đời. Vì vậy nên cô không mảy may nghi ngờ về việc tại sao mình không được ra ngoài vui chơi tiếp xúc với thế giới, sử dụng điện thoại hay internet, vì cô nghĩ rằng mẹ chỉ đang bảo vệ mình.
Cho đến một ngày, cô phát hiện ra tất cả chỉ là một âm mưu kinh hoàng, là một sự che đậy hoàn hảo đề giam giữ cô, làm cô suy kiệt sức khỏe đến mức tàn tạ, chỉ để cô không phải rời xa mẹ… Chính tất cả những điều đó khiến cô quyết định trốn chạy khỏi mẹ mình…
Phim dựa trên một câu chuyện có thật, vụ án mạng Dee Dee Blanchard từng gây xôn xao một thời. Dee Dee Blanchard theo mọi người kể là một phụ nữ phúc hậu và yêu thương hết lòng người con gái tật huyền của mình. Dee Dee được phát hiện đã chết tại nhà với nhiều nhát đâm, còn người con gái tật nguyền của bà thì bị mất tích.
Cánh sát kết luận đây là một vụ đột nhập và bắt cóc. Sau một thời gian tìm kiếm, người ta phát hiện ra cô con gái của bà đã bỏ trốn cùng bạn trai của mình và không hề bị bệnh gì cả, cô chính là hung thủ đã giết mẹ của mình. Khi đó một sự thật kinh hoàng mới được được hé lộ: cô bị giam cầm trong căn nhà của mình, bị mẹ mình hành hạ và thêu dệt lên tất cả những căn bệnh…
Sự trở lại ngoạn mục của đạo diễn Aneesh Chaganty với cách làm phim truyền thống kể từ Searching
Năm 2018 đạo diễn Aneesh Chaganty làm mưa làm gió cả giới làm phim với tác phẩm Searching. Một phim độc nhất vô nhị về việc truy tìm đứa con gái mất tích của người cha, mà không phải rời khỏi phòng, hay nói đúng hơn là không phải ra khỏi màn hình desktop. Cả một cuộc tìm kiếm nghẹt thở chỉ được thể hiện qua màn hình máy tính của người cha. Vậy mà có thể lôi cuốn người xem hồi hộp đến giây cuối cùng.
Năm 2020 này, Aneesh Chaganty trở lại với một tác phẩm truyền thống hơn với Run- Trốn Chạy. Việc trở lại với phong cách làm phim truyền thống là sự khẳng định với thế giới điện ảnh tài năng Aneesh Chaganty có thể thực hiện xuất sắc thể loại phim li kì giật gân, theo bất kỳ phong cách nào.
Cũng như bộ phim Searching, Run mang lại một nhịp phim dồn dập, căng thẳng và không hề để thừa một giây nào. Với nhịp phim gấp rút đến “không kịp thở” phim lại không hề tạo cảm giác bị “vội”. Đó là nhờ sự chú ý đến các chi tiết vô cùng kỹ lưỡng của đạo diễn, tất cả các cảnh quay đều có dụng ý và mấu chốt cho cốt truyện.
Những chi tiết nhỏ nhặt, đồ vật, hành động, lời nói đều được cài cắm một cách hợp lí đề khán giả có thể không thể rời mắt khỏi những màn cao trào, há hốc những khúc plot twist. Một kỹ thuật độc đáo mà ta đã thấy Aneesh Chaganty làm với hàng tá thông tin và chi tiết trên màn hình desktop, sắp xếp chúng lại một cách gọn gàng và rất dễ hiểu trong Searching.
Tuy nhiên, với cách kể chuyện truyền thống hơn, chú ý vào hơn vào những tình tiết và bối cảnh, ngoại cảnh, câu chuyện dễ dàng có những lỗ hỏng. Những lỗ hỏng cốt truyện tuy có hiện hữu và vô lý một số chỗ, nhưng không làm ảnh hưởng đến cảm giác sợ hãi phấn khích tột cùng mà phim mang lại.
Dàn diễn viên đặc biệt
Chỉ xoay quanh hai con người, tức là gánh nặng của phim đè lên vai hai nữ diễn viên chính rất lớn. Nhưng Sarah Paulson và Kiera Allen đã hoàn thành vai diễn của mình rất xuất xắc.Đặc biệt nhất là diễn viên chính, Kiera Allen, với sự nhập tâm cảm xúc đầy tính thuyết phục với vai diễn đầu tay của mình, là một người tàn tật ngoài đời thật. Điều này đã mang tính chân thật của phim lên một tầm cao mới.
Việc chọn một người khuyết tật để làm vai chính không chỉ làm cho người diễn viên nhập tâm hoàn hảo vào nhân vật, làm tròn cảm xúc của người xem mà còn là một bước tiến lớn cho Hollywood trong việc tuyển dụng diễn viên khuyết tật. Một minh chứng rõ ràng cho khả năng của họ, dù cho họ có những điểm khuyết.
Điều đặc biệt tiếp theo đến từ Sarah Paulson, gương mặt vàng trong mảng phim kinh dị. Một nữ diễn viên chuyên trị các vai diễn phản diện trong phim. Thần thái và gương mặt của cô thôi cũng đủ làm người xem nổi da gà, bất cứ lúc nào có sự xuất hiện của cô, ngay cả những lúc vui vẻ hay đau buồn, thì một cảm giác rợn người khó chịu ngay lập tức chạy dọc sống lưng của khán giả.
Run – Trốn Chạy là một sự hóa thân thành công của cô với một vai ác nữa, khẳng định thương hiệu nữ hoàng vai ác của Sarah Paulson kể từ America Horror Story hay Ratched.
Kết
Run – Trốn Chạy là một phim li kì kinh dị đáng coi nhất của năm 2020. Bộ phim được nhận định là khá chặt chẽ với cốt truyện đơn giản nhưng lại cầu kì trong chi tiết và cách kể chuyện. Tuy có một số lỗ hổng trong câu chuyện nhưng phim sẽ làm khán giả ngồi không yên trong rạp.
Run – Trốn Chạy đang được chiếu trên hệ thống rạp toàn quốc.
- ‘A Tale Of Two Sister’ bước đột phá của điện ảnh kinh dị Châu Á
- Đoạn Trường Vinh Hoa – Tiếng ca vang những nhà làm phim trẻ
- ‘Quái Vật Săn Đêm’ – Sputnik- Một bất ngờ thú vị từ nước Nga