Nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản, Haruki Murakami từng không đồng ý với bất kỳ lời xin phép chuyển thể các tác phẩm của mình thành phim: “Sách chỉ là sách thôi”, ông đã từng chia sẻ điều này với trang The New York Times vào năm 1990. Tuy nhiên sau này quan điểm trên đã được thay đổi và cho ra đời những bộ phim đầy cảm xúc chuyển thể từ các câu chuyện của Haruki Murakami.
“Khi tác phẩm của tôi được chuyển thể, mong muốn của tôi là cốt truyện và lời thoại được tự do thay đổi. Có một sự khác biệt lớn giữa cách phát triển của một tác phẩm văn học và cách phát triển của một bộ phim. Tôi có tưởng tượng ra những cảnh diễn ra trong đầu khi tôi viết không? Tất nhiên rồi. Trên thực tế, đối với tôi, đó là một trong những niềm vui khi viết tiểu thuyết, tôi đang làm bộ phim của riêng mình chỉ dành cho chính mình”.
Haruki Murakami chia sẻ những quan điểm cởi mở này của mình dành cho phim ảnh sau khi những truyện ngắn, tiểu thuyết của ông được các nhà làm phim yêu thích, quan tâm. Đặc biệt là khía cạnh chủ nghĩa siêu thực, từ ngữ và hình ảnh trong các tác phẩm của Haruki Murakami là chất liệu đầy cảm xúc mà bất cứ nhà làm phim nào cũng cảm thấy bị hấp dẫn.
Tuy nhiên đạo diễn Ryusuke Hamaguchi của Drive My Car lại có quan điểm khác, dù bộ phim chuyển thể mới nhất từ truyện ngắn của Haruki Murakami của anh đã nhận nhiều lời khen ngợi, cũng như các đề cử quan trọng tại Oscar 2022.
“Về cơ bản, tôi không nghĩ rằng các tác phẩm của Haruki Murakami được tạo ra để chuyển thể. Văn của Haruki Murakami rất tuyệt vời trong việc thể hiện cảm xúc bên trong, và tôi nghĩ đó là lý do tại sao mọi người muốn chuyển thể chúng. Nhưng thực sự rất khó để tái tạo những cảm xúc bên trong đó trong phim. Bạn có thể đi tới đi lui giữa những điều thực tế và những điều không có thật trong một cuốn sách. Nhưng khi bạn đưa nó vào phim, nó dễ trở nên ngớ ngẩn và khó khiến khán giả tin vào nó”.
Và dưới đây là những bộ phim đã được chuyển thể từ các tác phẩm của Haruki Murakami
A Girl, She is 100% – (1983) bởi Naoto Yamanaka
A Girl, She is 100% là một bộ phim ngắn, dựa trên truyện ngắn On See the 100% Perfect Girl One Beautiful April Morning của Haruki Murakami, xuất hiện trong tuyển tập The Elephant Vanishes của ông. Câu chuyện kể về góc nhìn của một chàng trai đi ngang qua một phụ nữ trẻ tại một con phố nhỏ ở Harajuku, ngay lập tức nghĩ rằng cô gái này 100% là người phù hợp với mình.
Tuy nhiên, anh ấy không hành động theo suy nghĩ của mình, mà thay vào đó lại trò chuyện với hai người bạn của mình tại một quán cà phê, dù điều mà họ thực sự quan tâm chỉ là cô nàng đó có mắt cá chân đẹp hay bộ ngực đẹp.
Một loạt các câu hỏi “nếu như thì sao?” đã được đặt ra và Naoto Yamanaka cố gắng bám sát những quan điểm trong truyện của Haruki Murakami về số phận hay những cách khác nhau mà đàn ông nhìn nhận về phụ nữ… Đoạn phim ngắn 11 phút nổi bật về cách trình bày độc đáo như một video âm nhạc, bao gồm các ảnh tĩnh được trình bày theo kiểu trình chiếu.
Hear the Wind Sing – (1981) bởi Kazuki Ohmori
Ra mắt năm 1981, Hear the Wind Sing được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản của Haruki Murakami. Cốt truyện của nó khá đơn giản khi kể về một nhân vật trở về quê nhà của mình để nghỉ hè khi đang học tại một trường đại học ở Tokyo. Về cơ bản, cuốn sách không có một câu chuyện rõ ràng, nhưng những nhân vật thú vị và những khoảnh khắc tuổi trẻ khiến nó trở nên khá hấp dẫn khi đọc.
Bộ phim của Kazuki Ohmori có một số thay đổi về bối cảnh. Trong tiểu thuyết của Haruki Murakami mọi chuyện diễn ra tại một thị trấn nhỏ không tên ở đâu đó ở tỉnh Hyogo – Ashiya hoặc một nơi nào đó gần đó. Còn bộ phim diễn ra chủ yếu ở thủ đô Kobe của Hyogo. Sự thay đổi từ thị trấn nhỏ sang thành phố lớn này không ảnh hưởng tiêu cực đến bộ phim, vì rất nhiều cuộc trò chuyện triết lý và các chi tiết khác trong cuốn sách vẫn được giữ nguyên.
Dù một số bình luận cho rằng câu chuyện trong tiểu thuyết của Haruki Murakami thiếu định hướng, có xu hướng lan man nhưng bộ phim đã thu hút được người xem nhờ sự hoài cổ và bản chất vui tươi của tuổi trẻ. Các nhân vật đã tạo được cảm xúc trẻ trung của những thanh niên đang làm việc và sinh sống tại thành phố Kobe.
Tony Takitani – (2004) bởi Jun Ichikawa
Tony Takitani là câu chuyện mà Haruki Murakami lấy cảm hứng khi bước vào một cửa hàng nhỏ bán quần áo cũ ở Maui, nơi ông mua một chiếc áo phông có tên “Tony Takitani” với giá 1 đô la. “Mỗi lần tôi mặc chiếc áo phông, tôi có cảm giác như Tony Takitani này đang cầu xin tôi viết một câu chuyện về anh ấy” và thế là truyện ngắn này đã xuất hiện trong tuyển tập Blind Willow, Sleeping Woman.
Câu chuyện của Tony Takitani mang nặng chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa tối giản đặc trưng trong tiểu thuyết của Haruki Murakami. Xoay quanh cuộc sống của một người đàn ông cô đơn, có cái tên khá Mỹ, Tony Takitani. Cái tên được cha anh đặt theo tên một người lính Mỹ, người đã đối xử thân thiện với ông và vì nghĩ rằng cái tên này sẽ giúp ích cho cậu bé, khi ảnh hưởng của Mỹ ở Nhật Bản đang tăng nhanh vào thời điểm đó.
Nhưng chính cái tên này đã khiến Tony Takitani bị mọi người tẩy chay, khiến anh sống một cuộc sống cô độc, nơi anh không bao giờ thực sự hòa nhập với xã hội Nhật Bản. Cho đến khi anh gặp một người phụ nữ mà anh ta yêu và kết hôn, người đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh ta khi lần đầu tiên anh ta cảm thấy gần gũi và an toàn. Tuy nhiên, cô ấy có một khuyết điểm: nghiện mua sắm.
Bản chuyển thể của Jun Ichikawa đã bám sát những chất liệu và chủ nghĩa tối giản, chủ nghĩa siêu thực từ tiểu thuyết. Bộ phim chỉ bao gồm 2 diễn viên chính đảm nhận bốn vai trò khác nhau trong phim. Nhà quay phim Taishi Hirokawa và biên tập Tomoh Sanjo đã tạo nên những cảnh quay ấn tượng, nghệ thuật với tiết tấu chậm rãi, cùng lời tường thuật bám sát tiểu thuyết của Hidetoshi Nishijima, hòa trộn trong âm nhạc nhẹ nhàng của Ryuichi Sakamoto.
Norwegian Wood – (2010) bởi Trần Anh Hùng
Norwegian Wood là tiểu thuyết nổi tiếng của Haruki Murakami trong văn đàn Nhật Bản và nó cũng là cuốn sách khó chuyển thể khi nội dung câu chuyện nói về những cảm xúc mất mát, tình dục và sự cứu chuộc lấy bối cảnh ở Tokyo những năm 1960, thời kỳ mà các sinh viên bắt đầu nổi loạn chống lại các tiêu chuẩn truyền thống, nghiêm ngặt mà thế hệ trước đã áp đặt lên họ.
Phim xoay quanh Toru Watanabe là một chàng trai trẻ đang theo học tại một trường đại học ở Tokyo. Toru Watanabe cố gắng cân bằng lại những cảm xúc của mình khi chạy khỏi những sang chấn trong quá khứ khi một người bạn thân tự tử. Anh làm quen những người bạn mới và cuộc sống sinh viên ở đây nhưng đồng thời cũng hồi tưởng lại những cũ khi gặp lại bạn gái của người bạn đã mất.
Tiểu thuyết này của Haruki Murakami ngập tràn trong những cảm xúc mơ hồ và nó chảy theo tự nhiên chứ không có câu trả lời cụ thể nào sau tất cả, nhất là mối quan hệ của Toru Watanabe với hai cô gái. Nhưng Trần Anh Hùng thì tập trung chủ yếu vào mối quan hệ của Toru Watanabe với Naoko, người bạn thời thơ ấu và cũng là bạn gái của người bạn thân đã mất, đồng thời chia sẻ một số nhận xét triết học cho các vấn đề trong phim.
Burning – (2018) bởi Lee Chang Dong
Burning là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn Barn Burning, trong tuyển tập The Elephant Vanishes của Murakami Haruki. Tác phẩm này được nhà văn lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn William Faulkner. Trong bộ phim của Lee Chang Dong, nhà làm phim cũng đặt một vài chi tiết liên quan đến tác giả này, cũng như tác phẩm The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald.
Câu chuyện phim có một số thay đổi so với truyện khi bối cảnh được chuyển đổi từ Nhật Bản sang Hàn Quốc. Phim xoay quanh Jong Su, một chàng thuộc tầng lớp lao động, muốn trở thành nhà văn. Anh vô tình gặp lại người bạn Hae Mi, một cô gái hiện đại độc lập có tinh thần tự do đang học kịch câm và nhen nhóm một tình yêu với cô. Tuy nhiên sau chuyến du lịch đến Châu Phi, cô đã quen với Ben, một người ở tầng lớp giàu có hơn, nhưng sự bất thường của người này đã khiến mọi thứ thay đổi.
Burning bám sát kết cấu từ câu chuyện của Murakami Haruki nhưng bộ phim đã tạo kéo dài hơn những khoảnh khắc kịch tính, sự lo lắng và thêm nhưng chi tiết trong tính cách của nhân vật chính Jong Su. Nhất là tình tiết đặc biệt về cha của anh, người có vấn đề về kiểm soát cơn giận và bị bỏ tù. Jong Su bị ám ảnh về gen của mình, về tầng lớp xã hội và địa vị khi đối mặt với sự tự tin ngông cuồng của Ben.
Drive My Car – (2021) bởi Ryusuke Hamaguchi
Drive My Car của Ryusuke Hamaguchi đã trở thành bộ phim Nhật Bản đầu tiên được đề cử cho Phim hay nhất tại giải Oscar và nhiều đề cử quan trọng khác. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên Drive My Car nằm trong tuyển tập truyện ngắn Men Without Women của Murakami Haruki. Bộ phim được xem là bản chuyển thể ấn tượng nhất, khi nó giữ đúng tinh thần câu chuyện của nhà văn, đồng thời đắp lên những tầng cảm xúc vững chắc hơn.
Nội dung xoay quanh một diễn viên, đạo diễn sân khấu, Yusuke Kafuku, người hiện vẫn đang chìm trong những ký ức về cái chết của vợ mình. Khi anh được giao chỉ đạo một vở kịch mới ở Hiroshima, anh đã gặp một cô gái lái xe thuê trẻ tuổi, Misaki là người sống nội tâm, ít nói. Lần đầu tiên Yusuke Kafuku cho phép ai đó bước vào không gian nhỏ riêng của anh và người vợ quá cố, nhờ đó cả hai bắt đầu chia sẻ những nổi buồn của họ theo cách tích cực hơn.
Drive My Car phim dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Haruki Murakami
Murakami Haruki đã rất ngạc nhiên khi biết rằng câu chuyện ngắn của ông đã được đạo diễn Ryusuke Hamaguchi chuyển thể thành bộ phim dài ba tiếng đồng hồ. Vì vậy, ông đã mua một vé để xem Drive My Car tại một rạp chiếu địa phương. “Tôi bị lôi cuốn từ đầu đến cuối. Tôi nghĩ rằng chỉ riêng điều này thôi đã là một thành tích tuyệt vời rồi.”
Không chỉ làm ngạc nhiên tác giả, những phần triển khai câu chuyện của Ryusuke Hamaguchi lý giải rõ hơn rất nhiều những cảm xúc của các nhân vật trong truyện ngắn. Sự kiềm chế trong nửa đầu khiến cuộc đối thoại và đối đầu trong nửa sau trở nên hấp dẫn hơn. Những suy ngẫm trực giác thông qua sự im lặng được thay đổi bằng cách các cuộc nói chuyện thẳng thắn. Bộ phim là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc giao tiếp và từ bi với những người xung quanh bạn.