Ngay khi phát sóng Money Heist Korea: Joint Economic Area nhanh chóng giữ vị trí #1 trên toàn thế giới trong số những loạt phim không nói tiếng Anh trên Netflix với 33,7 triệu giờ xem và tiếp tục gia tăng ở tuần thứ hai với hơn 49 triệu giờ xem.
Tuy nhiên phim trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi, không chỉ vì Money Heist Korea: Joint Economic Area là bản làm lại từ loạt phim Tây Ban Nha nổi tiếng vừa kết thúc mùa cuối gần đây mà vì phim còn có những thay đổi mang nhiều màu sắc châu Á hơn và dẫn đến những cuộc thảo luận sôi nổi, so sánh mức độ hấp dẫn giữa cả hai phiên bản.
Điểm khác nhau thứ 1: Bối cảnh chính trong Money Heist Korea: Joint Economic Area
Trong phiên bản gốc, bối cảnh câu chuyện diễn ra ở Tây Ban Nha, khi một trùm tội phạm được gọi là “Giáo sư” sinh ra trong một gia đình có truyền thống trộm cướp, đã cùng 8 người khác đột kích vào Xưởng đúc tiền Hoàng gia, đánh cắp tiền và bắt con tin để giúp thương lượng với chính quyền. Vụ cướp tiền đã trở thành nguồn cảm hứng phản kháng cho những người biểu tình thất vọng về cách giải quyết của chính phủ và những vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội.
Vì câu chuyện được Hàn Quốc làm lại nên có một sự thay đổi khá lớn trong bối cảnh chính của Money Heist Korea và điều này ảnh hưởng nhiều đến động cơ của băng nhóm trộm cướp. Money Heist Korea: Joint Economic Area diễn ra vào năm 2025 trên ngưỡng cửa thống nhất của Triều Tiên và Hàn Quốc, khi cả hai quyết định tạo ra một khu kinh tế chung.
Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra một miền đất hứa, giới thiệu một đồng tiền chung nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định nhưng tất cả bị vỡ mộng khi “chỉ người giàu mới giàu hơn”, dẫn đến một sự bất bình đẳng rất lớn trong xã hội. Tất cả đã được thể hiện qua hành trình của nhân vật Tokyo (Jeon Jong Seo) khi đặt chân đến khu vực kinh tế chung và vô tình trở thành tội phạm bị truy nã.
Với bối cảnh được thay đổi, Money Heist Korea: Joint Economic Area mang nhiều màu sắc chính trị và có động cơ lớn hơn khi được cho là khởi nguồn của một cuộc cách mạng lớn trong tương lai. Một số chi tiết được cài cắm cũng khác với bản gốc khi nghề nghiệp của “Giáo sư” trong bản Hàn thật sự là một giảng viên tại trường đại học. Trong khi bản gốc thì không miêu tả rõ nghề nghiệp cụ thể của nhân vật này ngoài xuất thân gia đình của anh ta.
Có vẻ như ở phiên bản Hàn Quốc, nhân vật này mang tư tưởng lớn ngay từ lúc bắt đầu những kế hoạch của mình sau khi vỡ mộng từ những lời hứa hẹn, bắt tay với giới chính trị được miêu tả trước đó. Việc này cũng ảnh hưởng đến cách anh ta lựa chọn những thành viên, quá khứ của họ và có được sự trung thành lớn từ những người tham gia phi vụ triệu đô trong Money Heist Korea: Joint Economic Area.
Bối cảnh chính trị này được thể hiện thêm thông qua câu chuyện cá nhân của những thành viên khi gia nhập băng nhóm trộm cướp. Thêm vào đó Money Heist Korea: Joint Economic Area còn có một thay đổi lớn khi, mối quan hệ giữa Giáo sư và nhân vật Berlin không còn là anh em giống như trong bản gốc mà là hai thủ lĩnh đại diện cho Triều Tiên và Hàn Quốc. Với tính cách trái ngược và cách hành động khác nhau, có vẻ như loạt phim mới này sẽ đưa họ đến gần hơn khi chia sẻ một mục đích chung lớn lao trong tương lai.
Sự chia cắt chính trị giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sau đó còn được nhấn mạnh thông qua những cuộc đối đầu, mâu thuẫn và phân chia giữa các nhân vật thuộc hai quốc gia khác nhau trong cùng một vị trí như trong băng trộm cướp, nhân viên trong ngân hàng hay cả trong nhóm cảnh sát điều tra. Có vẻ như những thiết lập này sẽ tạo nên một bức tranh lớn hơn ở những mùa sau khi mục đích thật sự của Giáo sư không phải là tiền.
Điểm khác nhau thứ 2: Tạo hình mặt nạ trong Money Heist Korea: Joint Economic Area
Có thể nói sự nổi tiếng của loạt phim Tây Ban Nha này phần lớn nhờ vào thiết kế bắt mắt và tạo hình ấn tượng từ bộ trang phục màu đỏ nổi bật, cùng chiếc mặt nạ Salvador Dali, tượng trưng cho sự phản kháng khi đối mặt với sự bất công và thường được sử dụng trong các cuộc biểu tình ở một số quốc gia. Trong vụ trộm Tây Ban Nha, nó được băng nhóm lựa chọn như một cách mang lại sự phục hồi tài chính cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các khía cạnh tàn nhẫn của chủ nghĩa tư bản.
Do đó phiên bản chuyển thể Money Heist Korea: Joint Economic Area lấy bối cảnh ở Hàn Quốc, nơi có nền văn hóa và đặc điểm khác với Tây Ban Nha, nên không có gì lạ khi thiết kế mặt nạ cũng khác. Nó được lấy cảm hứng từ những chiếc mặt nạ Hahoe truyền thống trong văn hóa Hàn Quốc, thường được sử dụng trong các sự kiện và nghi lễ văn hóa nổi tiếng. Theo những người sáng tạo, chiếc mặt nạ đến từ vùng Andong, biểu thị sự chỉ trích chống lại những kẻ quyền lực và cũng thể hiện cảm giác hài hước.
Mặt nạ Hahoe có nhiều hình dạng và biểu cảm khác nhau, theo truyền thống có 12 phiên bản khác nhau, mỗi loại đại diện cho địa vị xã hội của các nhân vật. Trong phiên bản Money Heist Korea: Joint Economic Area, chiếc mặt nạ được dùng là của giới quý tộc như một cách chế giễu quyền lực, lòng tự trọng của họ và nhằm chế nhạo những nhà cầm quyền bảo vệ hệ thống tư bản của Hàn Quốc.
Điểm khác nhau thứ 3 trong Money Heist Korea: Joint Economic Area là cách kể chuyện
Mặc dù bộ phim gốc khá nổi tiếng khi là một trong những series phim hay nhất trên Netflix và thậm chí đã giành được Giải Emmy Quốc tế cho Phim truyền hình hay nhất năm 2018 nhưng nó vẫn có một số ý kiến phê bình về các tình huống cường điệu, các câu chuyện tình cảm ướt át và những hành động bốc đồng từ hầu hết các nhân vật. Dường như Money Heist Korea: Joint Economic Area đã tìm hiểu khá kỹ những ý kiến này và loại bỏ chúng trong bản làm mới này.
Nếu như mùa đầu tiên của bản Tây Ban Nha có tổng cộng 22 tập phim thì Money Heist Korea: Joint Economic Area chỉ gói gọn trong 6 tập, với nhịp điệu nhanh gọn hơn rất nhiều. Nó dường như tập trung hoàn toàn vào việc thúc đẩy vụ trộm tại Xưởng in tiền Hàn Quốc Thống nhất hơn là những cuộc trò chuyện, giới thiệu cá tính bản thân của các nhân vật.
Tuy nhiên điều này cũng đem đến một số hạn chế cho Money Heist Korea: Joint Economic Area. Đầu tiên là với thời lượng bị rút ngắn đáng kể như vậy loạt phim đã bỏ qua khá nhiều những khoảnh khắc thú vị, câu chuyện cá nhân, cảm xúc của các nhân vật và những tình huống tạo cảm giác căng thẳng, hồi hộp, vốn thường đóng vai trò trung tâm trong thành công của các bộ phim truyền hình tội phạm, đặc biệt là điểm cộng lớn nhất ở bản gốc.
Thêm vào đó nếu trong bản gốc nhân vật Tokyo là người dẫn truyện, với những câu nói truyền cảm hứng và sâu sắc, giúp kết nối những tình huống trong quá khứ, hiện tại hay cảm nghĩ của từng nhân vật khác nhau thì ở phiên bản Money Heist Korea: Joint Economic Area, yếu tố này đã bị bỏ đi. Không còn người dẫn truyện, cộng với nhịp điệu nhanh, khiến các tình huống bị chuyển đổi qua lại mà không có cảm giác kết nối sâu sắc. Hơn nữa một số nhân vật hầu như không có thời lượng phát triển bản thân như Oslo và Helsinki.
Có thể nói việc lựa chọn chuyển thể Money Heist Korea: Joint Economic Area là một quyết định đầy thách thức, khi đối với những người hâm mộ yêu thích loạt phim gốc, phiên bản mới sẽ thiếu những khoảnh khắc bất ngờ vì hầu như các tình huống được triển khai giống như trong loạt phim cũ. Tuy nhiên với những điểm khác biệt trên Money Heist Korea: Joint Economic Area vẫn có một số điểm hấp dẫn và nếu bạn là người mới thì loạt phim có vẻ gần gũi hơn khi mang nhiều màu sắc châu Á, cùng nhịp điệu quen thuộc trong cách kể chuyện.
- Money Heist bản Hàn tiết lộ teaser và tạo hình các thành viên trong băng cướp
- Money Heist 5 (Phi Vụ Triệu Đô) và hệ thống các nhân vật quan trọng
- Money Heist: Korea – Joint Economic Area lộ diện băng cướp đến từ Hàn Quốc