Gần đến ngày về đích sau 8 năm dài, ‘Ròm’ trở thành tiêu điểm trên truyền thông. Tất cả thông tin thú vị xoay quanh bộ phim đều được khai thác, được bàn tán. Mọi người háo hức chờ đợi ngày 25.09 ‘Ròm’ công chiếu, được chứng kiến tận mắt đứa con đầu tiên của đạo diễn Trần Thanh Huy. Và để có cái nhìn tổng quát hơn về ‘Ròm’ hãy cùng Koicine điểm lại từng chặng đường khó khăn nhưng đáng giá mà ekip ‘Ròm’ đã đi qua nhé.
Lấy bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn, Ròm kể câu chuyện về cuộc sống của những người dân lao động nơi đây. Họ hay chơi số đề với hy vọng kiếm được một khoản tiền lớn để đổi đời. Ròm là cậu nhóc vừa đi bán kết quả xổ số vừa làm “cò đề” để kiếm sống qua ngày. Cậu chuyên tư vấn cho người dân những con số may mắn để họ có cơ may trúng đề.
Năm 2018 anh vinh dự lọt vào danh sách Under 30 do Forbes Việt Nam công bố. Đây là danh sách 30 nhân vật dưới 30 tuổi có nhiều thành tích nổi bật nhất Việt Nam năm 2018.
Hành trình của Ròm cũng chính là thanh xuân của anh và những người bạn cùng chung đam mê. Bộ phim cũng giúp anh đến với những Liên hoan phim, được tiếp xúc với những người làm phim, những tác phẩm đến từ các quốc gia khác. Huy vừa cảm thấy hãnh diện vừa có nhiều suy nghĩ về việc bản thân cần phải hoàn thiện hơn nữa sau những trải nghiệm đó. Chính những suy nghĩ này cũng giúp anh tiếp tục hoàn thiện Ròm dù có vài thời điểm mệt mỏi và khó khăn, Huy chỉ muốn từ bỏ, không muốn chiếu phim nữa. Anh hoàn toàn có quyền làm điều này vì giữ quyền tác giả của bộ phim nhưng nghĩ đến những người đã luôn sát cánh cùng mình, những người đã gửi gắm nhiều công sức vào bộ phim này, Huy muốn Ròm phải được ra rạp. Với suy nghĩ nếu Ròm thành công, con đường Huy chọn sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng cho cả anh và những người làm phim trẻ tiếp tục hành trình đam mê điện ảnh.
Thông qua hành trình của Ròm, Huy cũng chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm về việc làm phim với những người trẻ qua các buổi workshop. Từ những chuyện đã trải qua trong 8 năm, Huy giúp các bạn trẻ nhìn thấy khó khăn mà bạn có thể gặp khi bắt đầu làm phim, sự ngông cuồng, quyết liệt khi quyết định dấn thân vào nghề. Từ đó có cho mình sự chuẩn bị tốt hơn, đồng thời hi vọng điện ảnh Việt Nam ngày càng có nhiều bộ phim hay, được chú trọng cả nghệ thuật lẫn thành công về mặt thương mại và anh em có thể sống được với nghề.
Ý tưởng kịch bản của Ròm xuất hiện trong quá trình đạo diễn Trần Thanh Huy tìm ý tưởng cho bộ phim ngắn tốt nghiệp của mình. Trong khi trên đường đi học về, Huy nhìn thấy những đứa trẻ tranh nhau bán kết quả xổ số ở cầu Thị Nghè. Điều đó làm Huy nhớ lại những kỷ niệm lúc bé khi anh cũng theo chân những người bạn bán vé số dò để chơi cùng.
“Tôi đã nghĩ mình phải làm đề tài này. Tôi lớn lên từ dân lao động, nên những hình ảnh đó luôn ở xung quanh tôi. Tôi cũng là một đạo diễn ‘bụi đời’ mà”.
Trần Thanh Huy
Sau thành công với phim ngắn, Huy bắt đầu phát triển câu chuyện với những khai thác tâm lý chi tiết và sâu hơn. Huy muốn Ròm có thể khắc hoạ được một phần nào đó hình ảnh tầng lớp lao động Việt Nam cụ thể mà chân thật.
Trong một bài phỏng vấn trên báo lao động năm 2017, khi được hỏi về tên phim, đạo diễn Trần Thanh Huy đã có nhiều chia sẻ. Hồi đầu thật ra Huy từng chọn những tên phim khác sến hơn nhưng rồi cảm thấy đây là dự án về cuộc đời của nhân vật tên Ròm, thì tốt nhất hãy gọi đúng tên nó là Thằng Ròm. Huy nói anh thường thích những tên phim thật ngắn vì không giỏi nghĩ chữ, chỉ thích nghĩ bằng hình thôi. Anh thậm chí còn muốn chọn tên Ròm thôi cho gọn và một thời gian sau đó đúng là Thằng Ròm được chuyển sang Ròm thật.
Ròm nhận giải thưởng New Currents tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019, tương đương giải Phim hay nhất và là giải quan trọng nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 (BIFF).
Ròm thắng giải Phim điện ảnh Đầu tay Xuất sắc nhất (Best First Feature) ở liên hoan phim Fantasia lần thứ 24. Fantasia International Film Festival được thành lập năm 1996, từ đó đến nay tổ chức thường niên ở Montreal, Canada và là một trong những sự kiện phim ảnh lớn nhất khu vực Bắc Mỹ.
8 năm, 17 bản đề cương kịch bản, đoàn làm phim gồm 200 người và 27 bản dựng
Chặng đường thanh xuân đánh đổi để theo đuổi Ròm. Từ một ý tưởng phim ngắn 17 phút, cho đến những trang kịch bản kêu gọi đầu tư. Cùng mọi người, Trần Thanh Huy đã thành công khi đưa Ròm đến với khán giả, sau những trải nghiệm có một không hai.
16:30 nhận 4 giải thưởng tại YxineFF 2012 gồm Quay phim đẹp nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc, Trái tim trẻ và Trái tim Việt Nam (do báo chí bình chọn). Đồng thời nhận giải Ong bạc tại Liên hoan phim Sinh viên toàn quốc 2012, giải Cánh Diều Vàng cho phim ngắn vào năm 2012.
Trần Thanh Huy xuất hiện trên truyền thông với niềm tự hào cùng nỗi băn khoăn về định hướng tương lai, làm thế nào để tiếp tục làm những việc mình muốn làm mà không phụ kỳ vọng của mọi người.
Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ rằng ý tưởng về Ròm có trước 16:30, nhưng do điều kiện lúc đó chưa được cho phép nên anh quyết định làm phim ngắn trước. Những ấp ủ đó cùng với việc16: 30 được trình chiếu tại hạng mục Góc phim ngắn LHP Cannes – một vinh dự mà bất kỳ nhà làm phim trẻ nào cũng ao ước, luôn thôi thúc Huy muốn kể thêm về câu chuyện này.
Trong một lần ngồi cà phê cùng bạn, Trần Thanh Huy đã nói sẽ làm phim dài lấy ý tưởng từ phim ngắn 16:30 và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Huy nhanh chóng thành lập dự án, xin tài trợ ở nhiều hãng phim và những cá nhân quen biết. Anh thậm chí thuê hẳn một căn phòng trọ ở gần bối cảnh phim để tìm hiểu và phát triển kịch bản 16:30 thành kịch bản phim dài đầu tay của mình.
Anh nhớ lại hồi World Cup 2014, anh ngồi viết kịch bản Ròm ở một quán quen, trong khi xung quanh, mọi người kéo đến xem đá banh, hò hét vui vẻ. Kịch bản sau đó được Huy đem đi pitching (thuyết trình giới thiệu dự án) tại Gặp gỡ mùa thu.
“Dù cho có nhận được hỗ trợ hay không, em vẫn quyết tâm thực hiện bộ phim này tới cùng và đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ.” – Trần Thanh Huy đã phát biểu trong buổi giới thiệu.
Chính sự quyết tâm này đã thuyết phục đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Bùi Thạc Chuyên lựa chọn kịch bản Ròm cho giải thưởng Producer Choice’s Award (Lựa chọn của các nhà sản xuất).
Trong giai đoạn này Trần Thanh Huy tiếp tục hoàn thiện kịch bản và tham gia thuyết trình dự án Ròm ở Outstanding Project – khóa học Hà Nội mùa xuân 2015 do Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ bảo trợ. Anh đã thuyết phục ban giám khảo, trong đó có Jon Kuyper (nhà sản xuất của nhiều bộ phim bom tấn Hollywood như The Great Gatsby, The Hobbit, The Hunger Games: Mockingjay), cùng đạo điễn Đặng Nhật Minh, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, diễn viên Hồng Ánh,… và giành chiến thắng.
Từ những thành công được chứng minh, Trần Thanh Huy vui mừng khi HK Film cùng nhà quay phim Trinh Hoan quyết định đầu tư cho Ròm.
Đây là năm bắt đầu hành trình quay phim cực khổ nhưng đầy đam mê của ekip Ròm.
Bộ phim là cuộc chơi tuổi trẻ của Trần Thanh Huy và những thành viên tham gia cùng. Mỗi ngày mọi người tập trung quay tầm 2-3 tiếng, luôn trong trạng thái kiên nhẫn chờ đợi mọi thứ đạt mức tốt nhất cho cảnh quay. Hết chờ nắng, chờ mưa, chờ xe lửa để có những khung hình đẹp nhất, thật nhất. Có lần mọi thứ đã xong xuôi nhưng lại quên pin máy quay và thế là mọi người phải bắt đầu lại từ đầu.
Bối cảnh phim trải dài khắp Sài Gòn, nhiều quận, nhiều con đường và một khu chung cư bỏ hoang ở cư xá Thanh Đa. Nơi mà lúc đầu ngập ngụa rác, cả ekip và nhiều người đã chung tay, góp sức dọn dẹp, thiết kế lại để thay đổi cho phù hợp với bộ phim. Đây cũng là khoảng thời gian mà mọi người đồng lòng và nỗ lực hết mình cho dự án. Những cảm giác yêu thương và gắn bó cùng nhau tạo nên những kỷ niệm đẹp, bây giờ mỗi khi nhắc lại, ai ai trong ekip cũng cảm động, cũng đều cảm thấy không hối tiếc.
Ròm vừa quay vừa hậu kỳ. Ròm không theo bất kỳ quy trình làm phim nào ở Việt Nam nên gặp rất nhiều khó khăn ở khâu hậu kỳ. Phim qua tay rất nhiều người dựng phim, với số lần thay đổi nhiều nhưng không thể hoàn chỉnh. Thời gian cứ trôi qua và nhiều người bắt đầu hồ nghi về tính khả thi của dự án.
Khi bản dựng của bộ phim lên đến con số 23 mà vẫn không khiến Trần Thanh Huy hài lòng, anh chán nản và hầu như ít xuất hiện vào thời điểm này. Cho đến khi anh gặp đạo diễn Trần Anh Hùng, người tạo ra các tác phẩm nổi tiếng Mùa đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng, Rừng Na Uy… và cũng là một người thầy của Huy. Mọi rắc rối của anh mới dần được gỡ bỏ.
Suốt 5-6 tháng, hai thầy trò cặm cụi làm việc cùng nhau. Mặc dù cả hai có phong cách làm phim khác nhau nhưng từ những kinh nghiệm của Trần Anh Hùng đã giúp Huy nhận ra những thiếu sót và hướng thay đổi.
Cuối cùng bộ phim Ròm hoàn chỉnh sau 27 bản dựng.
Mọi chuyện tưởng chừng như đã xong và chờ đợi vòng kiểm duyệt để công chiếu thì Ròm nhận cái lắc đầu từ Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện. Trong khi đã gửi phim tham gia Liên hoan phim Busan và nhận giải New Currents (tương đương Phim hay nhất), sánh vai với Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran, Nhật Bản… đều là các nền điện ảnh lớn. Giải thưởng này tạo nên tranh cãi về việc Ròm phải nhận án phạt vì phát hành phim khi chưa được phép phổ biến nhưng đồng thời cũng giúp Trần Thanh Huy và Hội đồng duyệt phim ngồi lại với nhau. Cả hai cố gắng tìm được tiếng nói chung vì đều muốn bộ phim được công chiếu đến mọi người.
Thông tin Ròm cuối cùng cũng ra rạp khiến Trần Thanh Huy, ekip và mọi người hết sức vui mừng. Tuy nhiên một lần nữa phim phải thông báo hoãn chiếu vì tình hình dịch bệnh covid-19 tái phát trở lại. May mắn khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, các rạp chiếu bắt đầu mở cửa trở lại. Ròm thông báo sẽ công chiếu vào 25.09, sau một chuỗi dài những khó khắn để đưa bộ phim đến với khán giả.
Nếu Ròm là phim điện ảnh đầu tiên của đạo diễn Trần Thanh Huy thì nhân vật Ròm, Phúc hay nhân vật đại ca trong phim đều là những vai diễn đầu tiên của Trần Anh Khoa, Anh Tú Wilson, rapper Wowy và Lãnh Thanh. Ngoài ra phim còn có sự tham gia của các diễn viên kỳ cựu khác như: Cát Phượng, Mai Trần, Mai Thế Hiệp, Thanh Tú, Hải Triều…
Trần Anh Khoa vai Ròm
Đảm nhận vai trò diễn viên chính, Trần Anh Khoa vẫn giữ được nét ngây ngô, kiên cường trong phim ngắn 16g30 khi là cậu bé 12 tuổi và sự trưởng thành, tính cách sôi nổi hơn khi vào vai Ròm phiên bản điện ảnh sau đó 4 năm.
Ít người biết rằng Khoa chính là em trai ruột của đạo diễn Trần Thanh Huy, người mà anh bất đắc dĩ phải lựa chọn để kịp thời gian hoàn thành phim ngắn tốt nghiệp của mình.
Phim của anh trai nhưng vai diễn lại vô cùng vất vả, những pha hành động, rượt đuổi liên tục, đánh nhau trong bùn, trên mái nhà để rồi ngã và bị thương… Vì muốn mọi thứ chân thật nên các diễn viên trong phim phải học và tự đóng mọi phân cảnh, Khoa cũng không ngoại lệ, cậu phải tập nói chuyện cà lăm, tập dáng đi khòm lưng, ngay cả việc đeo kính cũng bỏ dù Khoa bị cận.
Tuy được chọn vai chính ở phim đầu tay, nhận được phản ứng tốt của mọi người nhưng Khoa chia sẻ cậu có hứng thú với việc quay phim hơn và hiện tại đang theo học chuyên ngành về phim ở Canada.
Anh Tú Wilson vai Phúc
Vai nam chính thứ hai, Phúc, do diễn viên trẻ Anh Tú Wilson đảm nhận, đây là nhân vật vừa là người bạn đồng hành vừa là đối thủ của Ròm trên phim.
Anh Tú kể lại việc khi đi casting cho Ròm chỉ đơn giản nghĩ rằng đang casting cho một phim quảng cáo. Hình ảnh của Anh Tú khi đó nhỏ nhắn, lại đen nhẻm và không có kinh nghiệm gì về diễn xuất nên khi biết được chọn vào vai nam chính cho phim điện ảnh thì cậu cảm thấy bất ngờ, lo lắng.
Tuy nhiên đạo diễn Trần Thanh Huy đã rất tâm đắc với cách diễn rất bản năng của Tú. Khả năng vận động nhanh nhẹn, khéo léo mà cậu có được từ đam mê môn thể thao mạo hiểm Parkour đã thuyết phục đạo diễn tin rằng Tú sẽ thể hiện được vai Phúc – một đứa trẻ bụi bặm lớn lên từ đường phố.Với vai diễn đầu tiên nhưng lại đòi hỏi nhiều kỹ năng, Tú đã trang bị thêm cho mình một năm học diễn xuất. Thậm chí nghe lời đạo diễn, Tú đi bán vé số thật để bước đầu “làm quen” với nhân vật .
Wowy vai đại ca đường phố
Giống như hai bạn trẻ trên, Lão Đại của làng nhạc rap underground Wowy cũng không có kinh nghiệm diễn xuất, tham gia phim Ròm vì sự yêu thích của đạo diễn với cá tính âm nhạc có chút ngông ngông nhưng thực tế và đời thường của anh.
Sau phim Ròm, Wowy chưa có dự định phim ảnh gì khác nhưng anh đã tham gia thực hiện ca khúc nhạc phim Here and Now, một bộ phim của Mỹ công chiếu trên HBO quốc tế và hiện đang là một trong những cố vấn được yêu thích của chương trình Rap Việt mùa 1.
Lãnh Thanh vai diễn bí mật
Khán giả có thể biết đến Lãnh Thanh thông qua các MV triệu view của các ca sĩ Hương Tràm, Chi Pu hay vai chính trong các phim điện ảnh Thưa mẹ con đi, Chị chị em em, Chàng Dâng Cá, Nàng Ăn Hoa… nhưng chắc sẽ bất ngờ khi biết vai diễn bắt đầu sự nghiệp của anh là một vai phụ trong phim Ròm. Trước khi đến với diễn xuất, anh là một người mẫu có sức hút, tham gia vào các buổi trình diễn danh giá trong nước như Việt Nam International Fashion Week. Có lợi thế về chiều cao, vẻ đẹp nam tính, gương mặt điện ảnh và diễn xuất có nhiều màu sắc khác nhau trong cái vai nặng về tâm lý: đồng tính, vai phản diện… chắc chắn khán giả sẽ còn gặp lại Lãnh Thanh ở nhiều vai diễn khác.
Diễn viên Cát Phượng
Ban đầu lúc đạo diễn Trần Thanh Huy mời Cát Phượng vào vai, cô chỉ lấy cát-xê tượng trưng thôi, đã vậy cuối cùng sau một thời gian chạy cùng Ròm lăn lộn cùng ekip, cô còn quyết định trích ra phân nửa cát-xê để đầu tư ngược lại cho ekip. Cát Phượng chia sẻ về vai diễn của mình trong phim không quá khó nhưng được biết trong quá trình quay phim có khá nhiều phân đoạn xô xát, thậm chí cô còn bị ngã va chạm khá nặng vùng đầu.
Diễn viên Mai Trần
Mai Trần từng là một trong những ngôi sao hàng đầu của làng kịch miền Nam trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Ông cùng Thương Tín, Minh Hoàng, Khánh Hoàng… là lứa sinh viên đầu tiên của trường Sân khấu điện ảnh.
Khi được mời tham gia Ròm, vì cái tên khá ngộ mà nam diễn viên cho rằng đây là một phim thiếu nhi nên không muốn tham gia. Sau khi hiểu và chứng kiến tâm huyết của Huy cùng ekip, nam diễn viên đã rất khâm phục.
Sau phim nam diễn viên gặp vấn đề sức khoẻ phải nhập viện nhưng đã ổn định trở lại. Hi vọng bộ phim sớm ra mắt để những nỗ lực của chú và của cả ekip được đền đáp.
Phong cách quay: Khung hình nghiêng
Ở những bản dựng đầu tiên được dùng để gửi đến Liên hoan phim Cannes, giám tuyển phim cho rằng Ròm quay bị lỗi, khi hầu như các cảnh phim đều bị quay nghiêng. Nhưng đây chính là dụng ý nghệ thuật của Huy và D.O.P Nguyễn Vinh Phúc. Các khung hình nghiêng thường dùng để mô tả cảm giác chông chênh và nó phù hợp với câu chuyện về cuộc sống của những người lao động cực khổ, hi vọng đổi đời qua những con số.
Nhạc phim
Ngoài việc nhận một vai diễn trong phim Ròm, lão đại làng rap Wowy cũng tham gia vai trò sáng tác và thể hiện OST cho phim. Đây là bài hát được phối lại từ bài Chạy của Wowy, ca khúc mà đạo điễn Trần Thanh Huy thích nghe khi viết kịch bản cho Ròm. Để phù hợp với tinh thần của bộ phim hơn, cũng như thêm vào các yêu cầu về nhạc cụ và âm thanh mà đạo diễn muốn, Wowy đã kết hợp với nhà soạn nhạc An Tôn Thất – người phối nhạc cho phim điện ảnh Song Lang, phối lại bài Chạy (Dragon Version) để sản phẩm cuối cùng trở nên mới lạ, độc đáo và mang màu sắc âm nhạc đương đại hơn.
Chỉnh màu
Về màu sắc, bộ phim được quay bởi 8 camera khác nhau, trong đó có máy quay Red Dragon, Canon C300, BlackMagic Pocket và cả Canon 60D… chưa kể có những cảnh phim quay trong các con hẻm thiếu sáng. Điều này cực kỳ khó khăn trong việc hậu kỳ, để cân màu cho đồng nhất. Nghệ sĩ chỉnh màu Bùi Công Anh đã cố gắng chỉnh sửa màu cho từng cảnh của phim một cách chính xác nhất. Mỗi cảnh phim anh ấy phải chỉnh mất từ 2 đến 3 ngày và mất hơn 4 tháng rưỡi để hoàn chỉnh bộ phim. Thông thường, việc chỉnh màu cho phim chỉ diễn ra trong vòng 2 – 4 tuần. Ở bản dựng hoàn chỉnh, người xem có thể thấy sự được kết quả mà nghệ sĩ Bùi Công Anh đã bỏ ra, khi các cảnh quay hoàn toàn không thấy sự chênh lệch.
Font chữ tên phim Ròm
Tên phim độc đáo của Ròm tạo ấn tượng gai góc, rất đặc trưng. Được biết, đây là một tác phẩm viết bằng than củi trên tường. Chiếc graffiti đặc biệt này của Art director Gary Ng được chọn làm logo tên phim thay vì một font chữ có sẵn.