Kể từ khi chiến dịch #OscarsSoWhite bắt đầu cách đây 4 năm, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh đã tìm kiếm những cách thức thay đổi để thúc đẩy sự hòa nhập trong ngành công nghiệp điện ảnh, hiện được cho là bị người da trắng và nam giới thống trị. Gần đây, các tiêu chuẩn mới cho đề cử Phim hay nhất (Best Picture) tại Lễ trao giải Oscar đã được Viện hàn lâm công bố.
Tiêu chuẩn nhóm A: đề cập đến những câu chuyện hoặc nhân vật xuất hiện trên màn hình thực tế. Trong danh mục này, phim phải có một trong các yếu tố sau:
- Ít nhất một diễn viên chính hoặc diễn viên phụ có vai trò quan trọng, thuộc nhóm chủng tộc hoặc dân tộc ít được đại diện (Người châu Á, Tây Ban Nha/Latin, người Mỹ da đen/ gốc Phi, người bản địa/ thổ dân Mỹ/ thổ dân Alaska, Trung Đông, Bắc Phi, người Hawaii bản địa hoặc người Đảo Thái Bình Dương khác, dân tộc hoặc chủng tộc không được đại diện khác…)
- Ít nhất 30% dàn diễn viên đóng các vai phụ thuộc hai nhóm nhận dạng ít được đại diện, phụ nữ, LGBTQ, người khuyết tật…
- Cốt truyện hoặc chủ đề chính tập trung vào một nhóm nhận dạng ít được đại điện, phụ nữ, LGBTQ, người khuyết tật…
Tiêu chuẩn nhóm B: đề cập đến đội ngũ sản xuất và sáng tạo đằng sau bộ phim. Để đáp ứng các tiêu chuẩn này, phim phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Ít nhất hai người đứng đầu các bộ phận chính (chẳng hạn như biên tập, giám đốc, trang điểm và tạo mẫu tóc, trang phục hoặc âm thanh, cũng như nhiều bộ phận khác) phải thuộc một nhóm nhận dạng ít được đại diện, phụ nữ, LGBTQ, người khuyết tật…
- Ít nhất sáu người trong đoàn phim (không bao gồm trợ lý sản xuất, thường là vị trí quan trọng trên phim trường) đến từ một nhóm chủng tộc hoặc dân tộc ít được đại diện, phụ nữ, LGBTQ, người khuyết tật…
- Ít nhất 30% đoàn phim đến từ một nhóm nhận dạng ít được đại diện, phụ nữ, LGBTQ, người khuyết tật…
Tiêu chuẩn nhóm C: liên quan đến các cơ hội đào tạo (có trả tiền) mà các công ty điện ảnh cung cấp cho các nhóm người không có tên tuổi ở Hollywood. Ở đây có phân biệt giữa các công ty khổng lồ có túi tiền lớn (như Disney, Warner Bros….) và các công ty nhỏ hơn hoặc các công ty sản xuất độc lập. Nhưng nói chung, để đủ điều kiện trong danh mục này, công ty sản xuất hoặc nhà phân phối của phim phải đáp ứng cả hai tiêu chuẩn sau:
- Phải cung cấp các cơ hội thực tập hoặc học việc được trả lương, trong nhiều bộ phận khác nhau, cho những người thuộc các nhóm nhận dạng không được đại diện, phụ nữ, LGBTQ, người khuyết tật…
- Phải cung cấp các cơ hội đào tạo và làm việc cơ bản, các vị trí cấp thấp hơn và cấp trung cho những người thuộc các nhóm nhận dạng ít được đại diện, phụ nữ, LGBTQ, người khuyết tật…
Tiêu chuẩn nhóm D: đề cập đến vấn đề “thu hút khán giả”, là cách nói của Hollywood về các bộ phận của doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu hút khán giả mua vé xem phim. Để đủ điều kiện trong danh mục này, hãng phim hoặc công ty phân phối phim phải có nhiều giám đốc điều hành cấp cao từ các nhóm nhận dạng không được đại diện, phụ nữ, LGBTQ, người khuyết tật… trong nhóm tiếp thị, quảng cáo hoặc phân phối của họ.
Các bộ phim muốn giành giải Phim hay nhất tại Lễ trao giải Oscar sẽ chỉ cần đáp ứng tối thiểu hai trong bốn nhóm trên. Các tiêu chí mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực tại giải Oscar 2024 (gồm các phim phát hành vào năm 2023). Điều quan trọng cần lưu ý là những thay đổi này chỉ dành cho hạng mục Phim hay nhất – vì vậy một bộ phim không thể đáp ứng các tiêu chuẩn này vẫn đủ điều kiện nhận các giải thưởng khác.
Liệu những quy tắc này có mang lại thay đổi gì cho ngành công nghiệp điện ảnh hiện tại?
Khi những thông báo này được đưa ra đã nhận một số phản đối nhất định khi cho rằng, Viện Hàn lâm không có quyền kiểm duyệt các nhà làm phim. Tuy nhiên một số ý kiến khác lại cho rằng các quy tắc này nhìn chung không ảnh hưởng gì nhiều đến các bộ phim cho lắm.
Lấy ví dụ The Two Popes, một bộ phim về hai người đàn ông da trắng (Jonathan Pryce và Anthony Hopkins), được đạo diễn bởi một người đàn ông da trắng (Fernando Meirelles) và biên kịch cũng là một người đàn ông da trắng (Anthony McCarten); Câu chuyện của bộ phim không đề cập gì đến những người thuộc các nhóm nhận dạng không được đại diện, phụ nữ, LGBTQ, người khuyết tật… Nhưng nó có ít nhất hai trưởng bộ phận nữ – nhà sản xuất Tracey Seaward và nhà thiết kế trang điểm và tạo mẫu tóc Marese Langan – cũng như các trưởng bộ phận người Argentina – những người có thể tự nhận mình là người Tây Ban Nha hoặc Latin ngay cả khi họ là người da trắng – có nghĩa là nó đạt tiêu chuẩn nhóm B. Và bộ phim được quảng bá bởi nhóm phát triển của Netflix, gồm nhiều phụ nữ, vậy nên bộ phim cũng đạt tiêu chuẩn nhóm D. Do đó bộ phim hoàn toàn đủ điều kiện để có thể thắng giải Phim hay nhất tại Oscar.
“Tôi thực sự tò mò về những bộ phim nào chưa đáp ứng được các tiêu chí này,” và “Tôi không nghĩ rằng nó sẽ thay đổi công việc của tôi hoặc của bất kỳ ai khác mà tôi biết.” Karin Chien, một nhà sản xuất và phân phối phim kỳ cựu, một thành viên của Viện Hàn lâm , cho biết. Chưa kể đến việc nhiều nhà làm phim không nghĩ đến giải Phim hay nhất khi họ bắt đầu một dự án mới.
Trong các báo cáo gần đây về chủng tộc và giới tính trong các bộ phim Hollywood đã chỉ ra rằng 95 trong số 100 phim có doanh thu cao nhất năm 2019 đạt tiêu chuẩn A, trong khi 71 trong số 100 phim hàng đầu năm 2018 đạt tiêu chuẩn B. Tờ Washington Post đưa tin 11 trong số 15 người từng đoạt giải Oscar trước đây đáp ứng hai tiêu chuẩn đầu tiên mà không có bất kỳ thay đổi nào trong câu chuyện của họ.
Và theo tổng quan thì có lẽ tiêu chuẩn dễ dàng thực hiện nhất với các bộ phim là tiêu chuẩn C, khuyến khích các chương trình học việc hoặc thực tập có trả tiền, cơ hội đào tạo và phát triển kỹ năng cho những người trẻ. Nhiều hãng phim đã làm như vậy khi liên kết với các trường đại học điện ảnh, có nghĩa là phim của họ ngay từ khi bắt đầu đã đạt được một trong bốn tiêu chuẩn mới này mà không cần phải xem xét thêm các thành phần khác trong đoàn phim.
Vậy những tiêu chí này giúp được gì?
Các tiêu chí mới mặc dù được cho là không gây ảnh hưởng nhiều đến các bộ phim. Tuy nhiên phải đề cập đến một trong những tác động của nó trong việc thu hút các nhà đầu tư vào những dự án “không điển hình”. Sisk, người đồng điều hành công ty sản xuất độc lập Electrik Skin có trụ sở tại Atlanta, vui mừng trước tác động tài chính mà các tiếu chí mới đem lại: “Nếu các dự án phim có thể khuyến khích các nhà đầu tư tài chính chấp nhận rủi ro bằng cách nói,“ Hãy nhìn xem, Viện Hàn lâm đã đề cập đến các vấn đề có trong dự án này! ”– thì tôi nghĩ họ sẽ có cơ hội tốt hơn.”
Ngay cả khi hầu hết các bộ phim được sản xuất trên khắp thế giới đều không đạt giải Phim hay nhất, thì các nguyên tắc vẫn tạo nên một giá trị lớn. Kuschevatzky, nhà sản xuất người Argentina, người điều hành công ty sản xuất phim độc lập đa quốc gia Infinity Hill nói: “Tôi nghĩ rằng nó sẽ có tác dụng lâu dài theo hướng nhiều quốc gia khác sẽ quan tâm đến các vấn đề này.”
Trong sự nghiệp của mình, Kuschevatzky cũng đã theo dõi tỷ lệ doanh thu phòng vé từ Mỹ đang thu hẹp dần so với ở nước ngoài; ông nói rằng những tiêu chí mới này có thể sẽ có lợi cho các nhà làm phim từ quan điểm kinh doanh. “Chúng ta không chỉ nói về khán giả Mỹ nữa. Bạn đang kể những câu chuyện cho thế giới xem và thế giới rất phức tạp, đa dạng, họ cũng cần được xuất hiện nhiều như các nhóm nhận dạng ít được đại diện thiểu số ở Mỹ.”
Về cơ bản các tiêu chí mới luôn tạo ra những quan điểm khác nhau như đã từng xảy ra trước đây và nhiều tác phẩm điện ảnh vào thời điểm đó hầu như cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Việc các tiêu chí mới khá linh hoạt như thế này lại là một điều tốt để nó trở nên dễ được chấp nhận và sau đó cho phép Viện Hàn lâm có thể cập nhật các phản ứng, điều chỉnh nếu họ thấy cần thiết.
Thông tin bài viết từ vox và time.
- Đề cử giải Gotham 2020: Năm Phim hay nhất đều thuộc về các nữ đạo diễn
- Cùng nhìn xem Oscar 2021 sẽ đi về đâu ?