Review phim Bóng Đè: phim kinh dị 2022 khai thác một trong những hiện tượng mọi người thường gặp khi ngủ và được gắn với những câu chuyện tâm linh, liên quan đến thế lực ma quỷ xung quanh để giải thích. Tuy nhiên bộ phim cũng đã kết hợp cùng một số hiện tượng khác như mộng du, người âm theo, bệnh tâm thần trong các phân cảnh hù dọa.
Bóng Đè có phần mở đầu tương đối tốt, khơi gợi nhiều cảm giác kinh dị và suy đoán từ người xem với nội dung và phong cách hù dọa được lấy cảm hứng từ các bộ phim nổi tiếng như: Paranormal Activity, The Conjuring, A Tale of Two Sisters… nhưng phim vẫn giữ được màu sắc đặc trưng của Việt Nam nhờ bối cảnh và diễn xuất tự nhiên của hai ngôi sao nhí Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi.
Các câu chuyện về quá khứ, tình cảm gia đình, tâm lý của các nhân vật trong Bóng Đè cho đến nửa phim vẫn khiến người xem khá trông chờ vào những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Tuy nhiên các bí ẩn của bộ phim lại được hé lộ khá sớm vào lúc này, cộng với các tình huống lý giải hơi khiêm cưỡng dường như đã khiến cho phần kịch tính của bộ phim bị giảm tương đối nhiều.
Nội dung của Bóng Đè
Bóng Đè là bộ phim tiếp theo của đạo diễn Lê Văn Kiệt, người được biết đến bởi những tác phẩm như Ngôi Nhà Trong Hẻm, Dịu Dàng… và sau đó hợp tác cùng Ngô Thanh Vân để tạo ra bộ phim hành động nổi tiếng Hai Phượng. Có thể nói đây là dự án mà anh đã mong muốn thực hiện từ lâu và vì ảnh hưởng từ dịch bệnh nên phim dù được thực hiện từ năm 2019 nhưng đến nay mới có thể phát hành tại các rạp.
Bộ phim Bóng Đè bắt đầu khi một gia đình gồm người bố và hai cô con gái tên Linh và Yến đang “tìm kiếm một khởi đầu mới”. Họ hướng đến một làng quê với những ngôi nhà đã cũ, bao phủ trong bầu không khí khá ảm đạm. Trong khi dọn dẹp nơi ở mới, Linh bắt gặp những hình ảnh, cũng như tiếng cười ma quái xung quanh ngôi nhà và điều này dường như có ảnh hưởng đến bệnh tình của em gái mình nên cô bé đã rất lo lắng.
Cùng lúc đó sự xuất hiện của một bác sĩ tâm lý tên là Hạnh (Diệu Nhi), một người tỏ ra khá thân thiết với bố của hai chị em khiến cho họ cảm thấy khó chịu vì vẫn nhớ đến người mẹ vừa mới mất của mình. Vậy nên dù Hạnh cố gắng giúp đỡ cho ba bố con thì có vẻ như động cơ của cô không đơn thuần là vậy. Khi hai chị em Linh và Yến cố làm rõ điều này thì những bí mật cũng dần được phơi bày.
Những điểm cộng trong Bóng Đè
Diễn xuất tự nhiên của cặp đôi Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi: Có thể nói cả hai không chỉ đảm nhận tốt vai trò của mình trong các cảnh căng thẳng, kịch tính trong Bóng Đè mà ở cả những phân đoạn tâm lý, cần thể hiện cảm xúc thì hai diễn viên nhí đều khiến người xem cảm thấy xúc động.
Biểu cảm gương mặt, ánh mắt và cả lời thoại của cả hai đều giúp bộ phim trở nên chân thật hơn, hơn nữa tương tác của cả hai đều khá ăn ý với nhau trong những phân đoạn đời thường và cho thấy mối quan hệ tình cảm chị em khăng khít dù mỗi người đều có màu sắc khác nhau.
Bóng Đè có phần mở đầu khá chậm rãi nhưng không kém phần kịch tính, khi cho thấy những biểu hiện bất thường của cô em gái là Yến, cùng chuyến đi “tìm kiếm một khởi đầu mới” của cả ba cha con và những cảm xúc u buồn, ám ảnh của họ sau cái chết của người mẹ, người vợ trong gia đình. Bầu không khí đầu phim vừa bình dị vừa ấm áp qua những tình huống gia đình đời thường, có cảm giác thực tế khi kết hợp với bối cảnh được thiết kế một cách tỉ mỉ.
Câu chuyện của họ kết hợp cùng những phân đoạn hù dọa được lấy cảm hứng từ các bộ phim nổi tiếng như: Paranormal Activity, The Conjuring, A Tale of Two Sisters... khi thì là phân cảnh một bà lão có biểu hiện bất thường trong đêm tối, khi hình dáng người thấp thoáng sau những tấm vải, hay tiếng quát mắng, giọng cười đêm khuya và cả tiếng trẻ con đùa giỡn… Những màn hù dọa này được thực hiện đơn giản nhưng đem lại hiệu quả khá tốt, một số tình huống cũng tạo được sự bất ngờ, mới mẻ.
Nhờ đó mà Bóng Đè đã tạo được sự hấp dẫn tương đối, nửa phim vẫn khiến người xem khá trông chờ vào những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Hơn nữa phần kỹ thuật của Bóng Đè cũng đã hỗ trợ tốt cho thể loại kinh dị, giật gân như: âm thanh chân thật nhưng vẫn đủ khiến người xem cảm thấy hơi ma mị, thiết kế bối cảnh, chuyển động máy quay và nhịp điệu cũng góp phần làm tăng kịch tính trong phim. Một số cảnh chuyển thời gian từ ngày sang đêm hay từ đêm sang ngày được thực hiện để đem lại cảm giác liên tục khá thú vị.
Những điểm trừ trong Bóng Đè
Mặc dù nửa đầu phim Bóng Đè mọi thứ được kể khá tiết chế và cảm giác khá chân thật khiến người xem thấy hồi hộp thì mọi thứ lại bị phá vỡ sau đó. Khi câu chuyện về cô giáo, kiêm bác sĩ tâm lý Hạnh xuất hiện, bộ phim bắt đầu có một số thay đổi khi khai thác nỗi ám ảnh về cái chết trong quá khứ của mẹ Linh và Yến, cùng mối quan hệ khá mờ ám của cô Hạnh với người bố. Lúc này sự thật nhanh chóng được hé lộ và đi kèm các tình huống lý giải khiêm cưỡng, có phần hơi cường điệu và đánh mất tính chân thật lúc đầu.
Cái chết của người mẹ, căn bệnh của Yến, câu chuyện về người phụ nữ tên Hạnh, nỗi ám ảnh của người bố được kết nối với nhau một cách gượng ép. Vì vậy mà Bóng Đè bắt đầu trở nên rối rắm và chuyển biến tâm lý của các nhân vật trở nên không hợp lý đã khiến cho phần kịch tính của bộ phim bị giảm tương đối nhiều. Hình ảnh các bóng ma lúc này được lộ diện và nhanh chóng trở thành màn trình diễn của các kỹ xảo CGI nhưng mọi thứ lại khá giả và tối nên cũng không khiến người xem cảm thấy sợ hãi.
Dù vậy so với mặt bằng các phim ma gần đây thì Bóng Đè vẫn tạo cảm giác là một phim kinh dị, giật gân được thực hiện chỉn chu và có diễn xuất tương đối tốt. Phim hiện đang công chiếu tại các rạp.
- Review Người Lắng Nghe phim có ý tưởng và thông điệp tốt nhưng câu chuyện hơi đứt gãy
- Review Chuyện Ma Gần Nhà: góc nhìn mới mẻ nhưng cách thể hiện có khá nhiều hạn chế
- Review phim Nhà Không Bán: còn hơi “vụng” nhưng kịch bản thắt mở hợp lý và hấp dẫn