Ngày nay những bộ phim với các phân cảnh nóng bỏng, khai thác cảm xúc và những động chạm thân mật của các nhân vật không còn quá xa lạ với nhiều người. Hầu như các nhà làm phim cũng không ngại thể hiện quan điểm, tư tưởng và thẩm mỹ của mình về những cảnh nóng trong phim.
Mặc dù có nhiều tranh cãi khác nhau về việc sử dụng những cảnh nóng trong phim, khi mà ranh giới giữa nghệ thuật và sự thô tục khá mong manh, về ý nghĩa và cả trong cách kể chuyện bằng hình ảnh. Chưa kể việc rất nhiều nhà làm phim sử dụng những cảnh nóng này nhằm mục đích phi nghệ thuật, thương mại hoặc vô nghĩa, thậm chí bị người xem chỉ trích và chính những người tham gia bộ phim lên án vì cách làm việc không chuyên nghiệp của mình.
Bên cạnh đó vẫn có những bộ phim sử dụng cảnh nóng như một cách truyền tải cảm xúc đến người xem tốt hơn, tinh tế hơn. Không chỉ thúc đẩy cốt truyện, các cảnh nóng này còn đem đến sự thay đổi cho từng nhân vật và nhận được phản ứng tốt từ người xem. Hầu như những bộ phim này đều được phân loại một cách khá chi tiết, bằng những mô tả rõ ràng để khán giả dễ dàng chọn lọc.
Danh sách bên dưới chỉ bao gồm những phim có cảnh nóng không quá nặng đô, xếp hạng độ tuổi từ 18 trở lên, tập trung vào cảm xúc nội tại của các hai nhân vật chính, đã loại bỏ các phim có yếu tố xung đột tay ba, tay tư rắc rối. Người đọc cân nhắc trước khi tiếp tục xem.
The Reader (2008)
Phim được xếp hạng R cho một số cảnh nóng.
The Reader kể câu chuyện về Michael, một chàng trai trẻ, phải lòng một người phụ nữ lớn tuổi. Và sau đó anh gặp lại cô với tư cách là một trong những bị cáo tại phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã. Lúc này Michael biết được lý do cô rời xa anh và cũng là người duy nhất nhận ra rằng người phụ nữ anh từng yêu, đang giữ một bí mật cá nhân mà cô nghĩ là nó còn xấu hỗ hơn quá khứ tồi tệ của mình.
Mối quan hệ của Michael và Hanna ban đầu có thể không bắt nguồn từ tình yêu, nó chỉ là một nhu cầu từ một người phụ nữ lớn tuổi và cảm giác tò mò của một cậu học sinh. Tuy nhiên sau những phân cảnh thân mật, cả hai không chỉ thoả mãn về mặt thể xác mà những điều họ tìm kiếm trong tâm hồn cũng được lấp đầy. Michael tìm thấy sự tự tin, trưởng thành so với bạn bè cùng trang lứa, trong khi Hanna thì được đọc cho rất nhiều cuốn sách hay ho.
Mặc dù phim nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều về các yếu tố lịch sử, cũng như sự chỉ trích việc lãng mạn hoá và sự lạm dụng trong mối quan hệ của cả hai nhân vật chính thông qua các cảnh nóng. Tuy nhiên không thể phủ nhận các phân cảnh nóng, thân mật giữa hai nhân vật chính, bao gồm nhiều phân cảnh khoả thân toàn phần, được thể hiện cực kỳ khéo léo và không đem đến cảm giác phản cảm, thô tục.
Burning (2018)
Phim được xếp hạng R vì cảnh nóng, ngôn ngữ, bạo lực và chất kích thích.
Burning kể về những bất an của người trẻ, xoay quanh nhân vật Lee Jong Su (Yoo Ah In), người tình cờ gặp lại một người bạn thời thơ ấu của mình là Shin Hae Mi (Jeon Jong Seo). Cả hai có những cảm xúc gần gũi cho đến khi có sự xuất hiện của một người đàn ông bí ẩn là Ben (Steven Yeun). Sự tử tế nhưng kỳ lạ của anh ta khiến Lee Jong Su trở nên nghi ngờ về động cơ tiếp cận của anh ta với cô nàng Shin Hae Mi.
Phim có một phân cảnh nóng ở đầu phim, giữa hai nhân vật Lee Jong Su và Shin Hae Mi, khi cô nàng mời anh đến nhà mình. Cảnh nóng này diễn ra khá rõ, nhưng nhanh chóng, nó cũng không quá đặc biệt khi mọi thứ hơi mờ hồ và thiếu nhiều yếu tố gắn kết cả hai nhân vật. Tuy nhiên có chút hơi thích sự ám chỉ về hình ảnh tia sáng đẹp và hiếm gặp mà nam chính nhìn thấy trong lúc cả hai thân mật với nhau. Mặc dù có chút phân tâm, mặc dù hơi sắp đặt nhưng nó đem lại cảm xúc tốt cho cảnh nóng này trong phim.
Titanic (1997)
Phim được xếp hạng PG-13 vì nguy hiểm liên quan đến thảm họa và bạo lực, phân cảnh nóng và ngôn ngữ.
Tác phẩm này khá kinh điển đối với những người yêu phim, khi kể về vụ đăm tàu Titanic trong lịch sử. Đây là bối cảnh chính cho mối tình giữa Jack và Rose, hai con người đến từ tầng lớp khác nhau, họ gặp nhau và đem lòng yêu nhau say đắm bất chấp tất cả định kiến lúc bấy giờ.
Trong phim có hai phân cảnh khá nóng, một là khi Jack phát hoạ bức tranh về Rose và cảnh nóng khác là khi cả hai thân mật trong một chiếc xe hơi, mặc dù thời tiết khá lạnh. Một chút cấm đoán, sự cuồng nhiệt từ tuổi trẻ và tình yêu mà cả hai dành cho nhau đem đến cảm xúc tốt ở những phân đoạn này. Hình ảnh biểu đạt tốt nhất ở phân cảnh nóng này chính là cảnh bàn tay in hằng lên cửa kính ô tô.
Blue Valentine (2010)
Phim được xếp hạng R vì cảnh nóng có hình ảnh mạnh, ngôn ngữ và bạo lực.
Câu chuyện trong Blue Valentine mô tả về một cặp vợ chồng đã kết hôn là Dean và Cindy, do Michelle Williams và Ryan Gosling thủ vai, phải đối mặt với sự tan vỡ trong cuộc sống hôn nhân của họ sau vài năm kết hôn. Câu chuyện diễn ra đan xen với những cảnh hồi tưởng khi họ gặp nhau, tán tỉnh và yêu nhau lúc trẻ, đem đến một sự so sánh và lý giải về những thay đổi của mỗi người ở hiện tại.
Điểm yêu thích ở bộ phim này là góc nhìn khách quan khi mô tả về hai nhân vật chính, khi xem khán giả sẽ tìm thấy cho mình những lý do khác nhau để có thể hiểu vì sao tình yêu giữa Dean và Cindy lại kết thúc, ai là người đúng, ai là người sai trong cuộc hôn nhân này. Bộ phim được xếp hạng NC-17, với một số cảnh nóng, thân mật giữa cặp đôi khi mới yêu và khi cả hai miễn cưỡng bên nhau với một cơ thể cạn kiệt năng lượng.
Boys Don’t Cry (1999)
Phim được xếp hạng R vì bạo lực bao gồm cảnh nóng bạo lực, tình dục, ngôn ngữ và chất kích thích.
Boys Don’t Cry là một bộ phim tiểu sử, được kịch tính hoá dựa trên câu chuyện đời thực của Brandon Teena (do Hilary Swank thủ vai), một người đàn ông chuyển giới vào những năm 1990 của Mỹ. Bộ phim đã sử dụng những tình tiết trong phim tài liệu The Brandon Teena Story, kể về việc Brandon Teena đã phải đối mặt với những định kiến khó khăn trong hành trình thể hiện chính bản thân mình và tìm kiếm tình yêu.
Phim có một vài cảnh nóng, được mô tả khá chân thật, nhưng đem đến cảm xúc khá trái ngược nhau. Bao gồm phân cảnh hồi tưởng đan xen ngọt ngào, nóng bỏng từ nhân vật Lana Tisdel, người con gái đầu tiên chấp nhận con người thật và trân trọng Brandon Teena. Và phân cảnh nóng bạo lực đau đớn, khi Brandon Teena trở thành nạn nhân của một tội ác tàn bạo do hai người đàn ông khác trong phim gây ra.
Boys Don’t Cry được xem là một trong những tác phẩm “có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ” của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Bộ phim không chỉ khai thác được những cảm xúc lãng mạn thuần tuý của người LGBT, đặc biệt là người chuyển giới mà còn cho thấy những định kiến, sự thù địch từ những người xung quanh họ lúc bấy giờ.
- 21 bộ phim về LGBT được yêu thích
- 10 Phim trò chơi sinh tồn hấp dẫn không thể bỏ qua
- 17 series Netflix hay ít được biết đến