Nhà Gia Tiên là bộ phim mới của Huỳnh Lập sau phim đầu Pháp Sư Mù: Ai Chết Giơ Tay. Phim có nội dung tương đối thú vị và mới lạ khi kết hợp yếu tố tâm linh với câu chuyện gia đình, tình anh em và cả những giá trị truyền thống trong việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Tuy nhiên phim cũng có nhiều điểm hạn chế trong việc phân bổ thời lượng khiến người xem có cảm giác hơi ôm đồm và lê thê.
Thông tin và nội dung của Nhà Gia Tiên
Sau cái chết của cha và anh trai Gia Minh (Huỳnh Lập), những người được chọn trở thành trụ cột gia đình, dòng họ, mà cô con gái Mỹ Tiên (Phương Mỹ Chi) bị cho là điềm xui đã rời khỏi ngôi nhà lên thành phố. Tuy nhiên để tạo ra một số nội dung thú vị trong công việc, Mỹ Tiên quyết định quay lại ngôi nhà của mình sau nhiều năm.

Lúc này Mỹ Tiên mới nhận ra mọi thứ không còn như xưa: người ông gia trưởng giờ trở nên lú lẫn, mẹ cô thì đau ốm, cô chú thì luôn tranh cãi chuyện giành gia tài, muốn nhanh chóng bán được ngôi nhà tổ và linh hồn của người anh trai Gia Minh thì cố gắng ngăn những người đến xem, mua nhà này bằng những trò hù doạ đáng sợ. Để linh hồn anh trai sớm siêu thoát, Mỹ Tiên đã đồng ý phối hợp cùng anh trai mình giữ lại ngôi nhà. Nhờ đó cô đã học được nhiều thứ, xoá bỏ những hiểu lầm và khám phá những bí mật tàn nhẫn.
Với lần trở lại này, Huỳnh Lập đã dành nhiều thời gian để tìm kiếm một câu chuyện ý nghĩa, có chiều sâu, đi cùng với đó là cách kể chuyện sao cho có thể kết hợp khéo léo các chủ đề về tâm linh bên cạnh câu chuyện gia đình, văn hóa Việt. Trong Nhà Gia Tiên, Huỳnh Lập sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò biên kịch kiêm đạo diễn, cũng như đảm nhận vai nam chính trong phim cùng nữ nghệ sĩ Phương Mỹ Chi, khi cô cũng lần đầu tiên đảm nhận vai nữ chính trong phim điện ảnh.
Ngoài câu chuyện gia đình đóng vai trò chủ đạo, Nhà Gia Tiên còn giới thiệu đến người xem loại hình nghệ thuật dân gian được người xưa ưu chuộng, tranh kiếng Nam bộ (tranh kính), những tác phẩm nghệ thuật thường được các gia đình trưng bày giữa nhà. Người xem có thể nhận thấy những hình ảnh poster về phim đã lồng ghép yếu tố này, trong đó nổi bật là bức tranh Cửu Huyền Thất Tổ, với mong muốn giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hoá xưa.
Ngoài Huỳnh Lập, Phương Mỹ Chi, bộ phim Nhà Gia Tiên còn có sự tham gia của Huỳnh Lập, Phương Mỹ Chi, NSƯT Hạnh Thuý, NSƯT Huỳnh Đông, Puka, Đào Anh Tuấn, Trung Dân, Kiều Linh, Lê Nam, Chí Tâm, Thanh Thức, Trác Thuý Miêu, Mai Thế Hiệp, NS Mạnh Dung, NSƯT Thanh Dậu, NS Thanh Hiền, Nguyễn Anh Tú,……
Review về phim Nhà Gia Tiên:
Nhà Gia Tiên có mở đầu hài hước với giọng dẫn truyện của Huỳnh Lập khi một người mua nhà đến xem. Qua đó phim giới thiệu được lịch sử của ngôi nhà và câu chuyện về những người được chọn là người thừa kế bao gồm bố và anh trai của Mỹ Tiên, cùng bị kịch của họ. Cách kể chuyện đan xen giữa cảm giác chân thực và sự hài hước duyên dáng giúp người xem nắm bắt nhanh được nhiều sự kiện.
Huỳnh Lập sử dụng khá nhiều kỹ thuật hài, trong số đó nhiều nhất là kỹ thuật “Irony” khá duyên, kiểu sử dụng các từ hoặc tình huống để diễn đạt điều gì đó trái ngược hoặc khác với những gì mong đợi và những gì thực sự xảy ra. Sau đó phần dẫn truyện được chuyển sang cô em gái Mỹ Tiên do Phương Mỹ Chi thể hiện. Thậm chí màn dẫn truyện của Phương Mỹ Chi còn có phần dễ thương, hài hước hơn nhờ vào các tiểu phẩm nhỏ được lồng vào.
Phần này cũng hé lộ rõ hơn về mối quan hệ giữa Mỹ Tiên với mẹ và anh trai. Đồng thời nhiều chi tiết cũng được cài cắm lúc này để tạo những twist nhỏ thông minh sau đó. Tuy nhiên Nhà Gia Tiên bắt đầu có cảm giác lê thê trong việc phát triển các câu chuyện tiếp theo, nhiều tình huống theo trend mạng xã hội được lồng vào chứ không phục vụ cốt truyện. Những động cơ của các nhân vật hợp lý nhưng khá yếu (nhất là mấy đoạn hàng xóm dị nghị này kia), chuyển biến tâm lý nhanh và cách giải quyết các mâu thuẫn thì đơn giản.
Những cú twist được hé lộ tạo ra một số cảm xúc nhưng vì nội dung không quá mới, dễ đoán nên không mang lại hiệu quả như mong đợi. Phần cao trào thấy ổn nhất của Nhà Gia Tiên là màn trừ tà nhưng lại diễn ra nhanh, có phần hời hợt. Tiếp sau đó là hàng loạt cao trào khác,”twist”, drama gần cuối khiến Nhà Gia Tiên bắt đầu đi khá xa so với bầu không khí lúc đầu, hơi ôm đồ, thập cẩm và lan man.
Nhà Gia Tiên có nhiều đoạn giải thích, giới thiệu về các yếu tố văn hoá, tập tục nhưng nó theo kiểu giảng giải, lý thuyết không đọng lại gì. Diễn xuất dàn diễn viên lúc bình thường và những lúc hài hước thì dễ thương (Phương Mỹ Chi làm rất tốt) nhưng đến cao trào, những cảnh bộc lộ nội tâm thì trở nên ồn, thô và nhiều đạo lý nữa.