Bộ phim Việt Nam mở đầu năm 2021, ‘Võ Sinh Đại Chiến‘ đã có kết quả doanh thu thảm hại mà nguyên nhân từ phía sản xuất công bố là do đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến nhà phát hành và các cụm rạp trong việc “cố tình chèn ép” xếp phim vào những khung giờ xấu. Căng thẳng lên cao vào ngày 07.01.2021, sau đúng 1 tuần công chiếu ekip đoàn phim Võ Sinh Đại Chiến quyết định sẽ rút khỏi tất cả các rạp phim trên toàn quốc.
Mâu thuẫn từ góc nhìn của ekip phim và đơn vị phát hành
Theo góc nhìn của các cụm rạp, bộ phim Võ Sinh Đại Chiến không tạo được những hiệu ứng mạnh trước khi phát hành. Cộng thêm sau một tuần công chiếu các chỉ số phân tích của đội ngũ quản lý các cụm rạp dành cho Võ Sinh Đại Chiến chỉ ra xu hướng không khả quan để đẩy mạnh doanh thu nên đã điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nhà phát hành chính của bộ phim Galaxy (không đầu tư vào bộ phim), sau thời gian đối mặt với dịch bệnh, hiện đang tập trung vào những bộ phim đang có doanh thu tốt trong giai đoạn này là Wonder Woman 1984, Soul và cả Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử (có Galaxy đầu tư), tạo nên dư luận trái chiều trong việc đối xử với các bộ phim không công bằng giữa “con cưng” và “con ghẻ”.
Về phía ekip phim Võ Sinh Đại Chiến sau khi có đón nhận những nhận xét tích cực về chất lượng của bộ phim, nhà sản xuất kỳ vọng sự bùng nổ về doanh thu nhưng thực tế thì lại khá tệ. Đồng thời nhìn vào những khung giờ mà phim được xếp trong thời gian sắp tới đã khiến cho nhà sản xuất phim nóng mặt và đưa ra những phản hồi gây xôn xao với những người trong ngành. Trong đó có hai yếu tố được nhấn mạnh, giải thích cho sự hụt chân của bộ phim theo nhà sản xuất là:
- Nhà phát hành chưa làm tốt vai trò hay nói cách khác là thiếu trách nhiệm khi đồng thời phát hành (nhưng không đầu tư) Võ Sinh Đại Chiến trong lúc vừa phát hành và đầu tư cho Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử. Và trong vòng 10 ngày sau công chiếu thì lại phát hành một dự án khác có đầu tư.
- Khâu MKT của Võ Sinh Đại Chiến bị cho là quá yếu.
Phân tích sâu hơn hai yếu tố dẫn đến doanh số thấp của Võ Sinh Đại Chiến
Có nhiều ý kiến cho rằng trường hợp Võ Sinh Đại Chiến và Người Cần Quên Phải Nhớ giống nhau, tuy nhiên nhận định này không chính xác khi phân tích kỹ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến việc quảng bá của cả hai bộ phim. Vì Võ Sinh Đại Chiến đã đưa ra những luận điểm của họ nên trong phạm vi bài phân tích này sẽ không đề cập đến các luận điểm của các cụm rạp vì tính phức tạp và khó truy hồi các bằng chứng ( Mặc dù Box Office Viet Nam đã có số liệu để bàn luận) mà sẽ chỉ tập trung tìm hiểu về khâu MKT phát hành phim.
Vậy hoạt động của MKT của Võ Sinh Đại Chiến có yếu không? Để dễ nhận xét thì dựa vào thông tin và số liệu của hai phim Võ Sinh Đại Chiến và Người Cần Quên Phải Nhớ, từ đó sẽ dễ hơn trong việc phác thảo lại lộ trình và cách làm MKT của 2 dự án. Việc vẽ lại lộ trình này có những hạn chế, ví dụ như trong việc đánh giá hoạt động OOH hay các hoạt động seeding và hiệu ứng của KOLs được trả tiền.
Cơ bản cách phác thảo này chỉ có thể cho ra nhận định về các hoạt động quảng bá dạng sự kiện và những dấu ấn còn sót lại trên internet của dự án đã làm. Mặc dù sơ khai nhưng sẽ phản ánh được hiệu ứng về chiến lược của dự án qua 3 yếu tố được phân tích bên dưới. Mốc thời gian sẽ lùi 45 ngày trước ngày công chiếu dựa trên kết luận rút ra từ báo cáo của Younet Media về truyền thông trong điện ảnh (mọi người chịu khó search google).
1.Hoạt động của 2 Fanpages Võ Sinh Đại Chiến và Người Cần Quên Phải Nhớ
Sau khi xem 2 Fanpages của Võ Sinh Đại Chiến và Người Cần Quên Phải Nhớ với mốc lùi 45 ngày sẽ dễ nhận thấy như sau:
- Trung bình lượt tương tác Võ Sinh Đại Chiến thấp hơn
- Độ phong phú về nội dung ngang nhau. Giống nhau là khai thác yếu tố thả thính nhiều hơn so với yếu tố còn lại.
- Hoạt động kích cầu Người Cần Quên Phải Nhớ tốt hơn
2. Ngân sách MKT của Võ Sinh Đại Chiến và Người Cần Quên Phải Nhớ
Thông thường các phim phát hành sẽ có chi phí MKT khoảng 1 tỉ cho POSM tại rạp và dao động thêm 1-2 tỉ nữa dùng để chi tiêu các hạng mục còn lại. Võ Sinh Đại Chiến không ngoại lệ ( trích từ post của người phụ trách MKT cho dự án Võ Sinh Đại Chiến).
Giả sử rằng ngân sách cao nhất mà ekip Võ Sinh Đại Chiến chi cho hoạt động MKT là 2 tỷ, bao gồm việc:
A. Giao quyền PR và Digital, Social content cho nhà phát hành và người phụ trách MKT chỉ tư vấn định hướng và đảm bảo có thể phủ sóng được tất cả kênh quảng cáo khác trong phạm vi ngân sách.
B. Vì nhà phát hành được giao kiểm soát thông tin nên người phụ trách MKT chỉ đấu tranh để phụ trách các việc còn lại là:
- – Concept Catwalk Showcase ra mắt diễn viên – kiêm thực hiện event và xin tài trợ.
- – Poster đầu tiên công bố dự án (Giấu mặt diễn viên) – First look – Teaser – BTS series – Concept shooting diễn viên – Teaser Poster và Poster Nhân vật để đảm bảo được yếu tố học đường, tình cảm kết hợp võ thuật.
Vậy thì tức là từ những chi phí ở mục (A) ngân sách sau khi phải chia sẻ với nhà phát hành ít nhất là 1 tỷ. Ngân sách còn lại mà người phụ trách MKT của Võ Sinh Đại Chiến có thể chủ động sử dụng nhiều nhất là 1 tỷ nữa.
Chi phí này sẽ được sử dụng vào những hạng mục ở (B), nếu gói ghém thì tối thiểu cũng tầm 300 triệu, chưa kể chi phí sản xuất cho 2 lần họp báo, 1 Premier hoành tráng tối thiểu 500 triệu (đã bỏ qua các hạng mục được hỗ trợ tài trợ)… Các hoạt động này dựa trên việc xem lại các hoạt động được đăng tải trên trang Fanpage cua Võ Sinh Đại Chiến.
Qua đó ta có thể thấy ngân sách MKT của dự án phim Võ Sinh Đại Chiến đã hết hoặc không còn nhiều để làm thêm bất cứ điều gì sau khi phát hành. So sánh với Người Cần Quên Phải Nhớ thì các hoạt động sau công chiếu được đẩy mạnh hơn từ việc cinetour đến các hoạt động khuyến mãi kích cầu khác.
3. Google 2 cụm từ chính là tên phim của 2 dự án:
- Tin tức xa nhất trong phạm vi 45 ngày của cả 2 phim là tầm tuần đầu tháng 11.
- Các nội dung được tung nhiều vào tầm tuần thứ 2 trước công chiếu, hầu như không có nội dung để xây dựng tính viral đỉnh trong giai đoạn 30 ngày trước công chiếu.
Bên cạnh đó khi xét về yếu tố định hướng nội dung thì người phụ trách MKT của Võ Sinh Đại Chiến chọn việc đi một nội dung đơn giản và liên tục để khán giả dễ ghi nhớ đó là: Võ và Hành động trong khi nhà phát hành lại e ngại về nội dung võ thuật, hành động nên đi theo hướng học đường, thả thính (trích chia sẻ của phụ trách chiến lược MKT phim Võ Sinh Đại Chiến)
Từ tất cả các phân tích trên ta có thể khẳng định MKT của phim Võ Sinh Đại Chiến là yếu so với Người Cần Quên Phải Nhớ. Định hướng của nội dung và vị trí của người được cho là phụ trách về chiến lược và đơn vị thực thi là không khớp. Vai trò của vị trí tư vấn chiến lược dừng ở mức độ sales tài trợ và lên ý tưởng content cho chính định hướng của mình với ngân sách bị chia sẻ nên cả 2 hướng đều không đem lại hiệu quả tốt nhất.
Vậy với hành động rút ra khỏi rạp thì nhà sản xuất đang toan tính điều gì? Các kịch bản sau:
- Quay thêm, hoặc dựng lại dựa trên footage hiện có để làm mới nội dung và chờ ngày ra rạp lại. Điểm cộng của cách này là phim có được độ viral cần thiết sau sự kiện rút khỏi rạp. Điểm trừ là chi phí đầu tư sẽ tăng cao đồng nghĩa thêm rủi ro. Liệu nhà sản xuất có muốn thay đổi nhà phát hành không? Có muốn cũng khó vì lượng phim tồn hiện khá cao, lịch chiếu dày đặc trong năm 2021 và Galaxy không muốn để phim thay đổi nhà phát hành vì có khả năng bị lên án, tẩy chay cụm rạp. Khó nữa là nếu phát hành lại thì tỷ lệ ăn chia với rạp sẽ như thế nào mới là thỏa đáng? Phương án này có nhiều ẩn số.
- Phát hành VOD. Đa phần các nền tảng sẽ mua đứt bán đoạn nên khả năng thu hồi vốn sẽ gian truân hơn nhiều vì giá mua không quá cao đối với sản phẫm đã ra rạp.
- Phát hành ở nước ngoài? Con đường không lối thoát.
- Quay phần 2 với ngân sách thấp hơn nhiều, dựa vào các dữ liệu quay đã có nhưng không sử dụng của phần 1. Sau đó phát hành phần 1 và 2 liên tiếp nhau ở một thời điểm thuận lợi hơn. Nếu NSX quyết tâm thay đổi NPH thì sao? CGV còn khó khăn hơn khi bắt buộc các phim phải sử dụng dịch vụ MKT của mình, NSX sẽ không dại một lần nữa. Lotte đang có quá nhiều dự án tốt hơn. BHD sẽ ngại khi phải phát hành một dự án có lịch sử không ấn tượng về doanh thu. CJ là một ẩn số.
Vậy hãy chờ xem nhà sản xuất sẽ có chiến lược thu hồi vốn thế nào và vai trò của MKT phim ảnh không phải riêng trong dự án này mà còn có các dự án sắp ra mắt có đột phá hơn không khi hầu như ngân sách chẳng thay đổi mấy cho các dự án phim có ngân sách tổng 15 đến 35 tỷ.