Cassandra là loạt phim khoa học viễn tưởng, kinh dị, tâm lý và gia đình mới của Netflix. Đây là một bộ phim Đức khác tạo được ấn tượng mạnh mẽ với những khán giả trung thành của nền tảng sau Dark, The Empress, Blood Red Sky. Được viết và chỉ đạo bởi Benjamin Gutsche, loạt phim không chỉ tập trung vào chủ đề đang thịnh hành là AI, mà còn mô tả một cách tỉ mỉ những cảm xúc và biến đổi tâm lý của người phụ nữ trong gia đình khi họ đối mặt với những bi kịch giống nhau.
Nội dung của Cassandra
Câu chuyện bắt đầu khi gia đình của Prill, bao gồm người mẹ là nghệ sĩ điêu khắc Samira (Mina Tander), người cha là tác giả tiểu thuyết tội phạm David (Michael Klammer), cậu con trai Fynn 17 tuổi (Joshua Kantara) và cô con gái Juno (Mary Amber Oseremen Tölle) chuyển đến một ngôi nhà mới sau một sự cố bi thảm ở ngôi nhà cũ. Họ cần một khởi đầu mới và quyết định chọn ngôi nhà đã bị bỏ không 50 năm sau kể từ khi những người chủ trước qua đời trong hoàn cảnh bí ẩn, chỉ vì nơi này có bể bơi trong nhà.
Tuy nhiên, họ không biết rằng đây là một ngôi nhà thông minh được xây dựng vào năm 1970 và được trang bị một khá nhiều màn hình, cùng một hệ thống máy tính cổ ở tầng hầm. Trong lúc tìm hiểu, họ đã vô tình khởi động lại một robot phục vụ gia đình tên là Cassandra (Lavinia Wilson). Ngoại hình của robot này trông có vẻ vô hại với chiều cao và kích thước tương tự một phụ nữ, trên đầu là màn hình tivi phát sóng khuôn mặt của một người phụ nữ hay cười vui vẻ.
Cassandra tự gọi mình là “bà tiên đỡ đầu” của gia đình và nhanh chóng thuyết phục được cả gia đình Prill rằng cô có những tiện ích vượt trội để phục vụ mọi người, cùng với giao diện gần gũi và thân thiện. Những ngày đầu dường như là một robot ưu việt khi giúp xử lý những chuyện lặt vặt trong nhà đâu ra đấy, kết nối mọi người với nhau, luôn xuất hiện khi ai đó cần, trở thành người bạn mới của cô con gái út Juno và giúp cô vượt qua những tổn thương cũ trước đó.
Tuy nhiên với người mẹ của gia đình là Samira thì mọi chuyện lại không may mắn lắm khi hàng loạt những sự kiện tình cờ khiến cô bị thương, vô tình gây ra một vụ cháy trong chính ngôi nhà của mình. Bằng sự nhạy cảm của một người phụ nữ, Samira cảm thấy điều này có liên quan đến Cassandra. Và loạt phim cũng nhanh chóng cho người xem biết được, Cassandra thực chất là một mối nguy hiểm tiềm ẩn khi cách cô xử lý một con chuột vô cùng tàn nhẫn.
Liên tiếp những tình huống nhỏ khác đã bộc lộ sự độc ác và nham hiểm của Cassandra khi cô bắt đầu thao túng và khiến tình cảm của từng thành viên trong gia đình bắt đầu rạn nứt. Tất cả hành động này đều hướng đến người mẹ Samira và chuyển từ trạng thái âm thầm sang đối đầu trực tiếp. Một cuộc chiến loại bỏ lẫn nhau giữa hai người phụ nữ đã được khơi mào và bùng nỗ ngay sau đó.
Review Cassandra
Loạt phim kết hợp khá nhiều thể loại hấp dẫn và trong phim còn được chia thành hai dòng thời gian khác nhau là hiện tại và thập niên 70. Điều đáng khen là những điểm này đã được kết hợp khá tốt để tạo ra một câu chuyện có tính liên kết, khi những sự kiện diễn ra trong quá khứ ảnh hưởng đến tương lai và bi kịch của người phụ nữ cũng được nhân đôi thông qua 2 nhân vật trung tâm là Cassandra và Samira.
Với 6 tập phim là thời lượng hoàn hảo để đạo diễn Benjamin Gutsche kể câu chuyện mình muốn, để các sự kiện, thông tin được diễn ra liên tục và không có cảm giác lê thê, dài dòng. Nhiều nhận xét, đánh giá rằng câu chuyện thập niên 70 hay hơn phần truyện về gia đình Prill ở hiện tại, bởi yếu tố khoa học viễn tưởng có chất điện ảnh và hoài cổ. Trong khi câu chuyện hiện tại là khá quen thuộc và thường bắt gặp trong các bộ phim kinh dị hạng B.
Cách dẫn dắt song song hai dòng thời gian trong Cassandra cũng tương đối thú vị và những điểm hay chỉ được tiết lộ về sau, cùng với một số tình tiết cài cắm, “twist” nhỏ về cái công tắt bí mật của Cassandra có thể khiến bạn bất ngờ.
Tuy nhiên phim cũng có những nhận xét khá trái chiều như yếu tố khoa học viễn tưởng trong phim hơi ảo, hình mẫu người đàn ông trong phim được mô tả hơi phiến diện và thậm chí nhiều người xem còn cảm thấy cách gia đình Prill xử lý Cassandra khá cồng kềnh.
Sự giận dữ của hai người phụ nữ trong phim:
Câu chuyện của phim xoay quanh 2 nhân vật chính là Cassandra và Samira. Cả hai đều là những phụ nữ lựa chọn/ có công việc phù hợp để có thể đảm đương những công việc nhà, lo toan cho chồng con. Điều đặc biệt là họ chủ động trong việc này bởi đó là cách họ dành sự yêu thương cho những người quan trọng trong cuộc đời mình. Nhưng bản thân họ cũng luôn có những đấu tranh trong nội tâm khó khăn.
“Sẽ ra sao nếu ta trích xuất ý thức, tâm trí, cảm xúc, mọi thứ định nghĩa một con người và lưu trữ chúng trên một ổ cứng điện tử, dùng nó để bảo vệ con người khỏi sự mục nát của thế xác? Không bệnh tật nào trên đời có thể lây cho máy tính. Nên nếu ta bỏ đi vỏ bọc con người ta sẽ trở nên bất tử.”
Những công việc trong ngôi nhà không làm Cassandra mệt mỏi nhưng hai người đàn ông quan trong nhất cuộc đời cô lại khiến cô rơi vào khủng hoảng. Sự phản bội của người chồng là một cú sốc đối với Cassandra, tệ hơn đó lại là một người bạn, người có tư tưởng đối lập với cô. Nhưng với suy nghĩ của một người phụ nữ thời đó thì việc chịu đựng và giữ cho gia đình êm ấm vẫn được đặt lên hàng đầu, dù hậu quả là sự phản bội không chỉ diễn ra một lần. Trong khi đó người con trai yếu đuối và hơi khác người càng khiến mọi chuyện tệ hơn.
Còn nhân vật Samira ở thời điểm hiện tại cũng là một hình mẫu phụ nữ của gia đình, trong khi vẫn là một nghệ sĩ điêu khắc và dành nhiều thời gian để chăm lo cho chồng con. Tuy nhiên vấn đề mà Samira gặp phải đó là việc bị xem nhẹ và không nhận được sự tin tưởng từ chồng con. Mặc dù cái kết vẫn có hậu với gia đình cô nhưng sau những tổn thương liên tiếp như thế người xem tự hỏi liệu mọi chuyện có trở lại bình thường.
Cả hai nhân vật Cassandra và Samira đại diện cho những người phụ nữ trong những thời đại khác nhau, đều phải đón nhận sự thất vọng từ gia đình mình và vô tình trở thành những đối thủ sống còn với nhau. Họ có thể nhìn thấy rõ những điểm yếu từ người kia và lựa chọn những cách tàn nhẫn nhất để tổn thương lẫn nhau. Nhưng đến cuối cùng, cái kết của bộ phim cho thấy cũng chính họ là những người thấu hiểu nỗi đau của nhau nhất.
Công tắc thứ 2 của Cassandra:
Trong phim, khi Cassandra đồng ý chuyển giao toàn bộ ý thức, tâm trí, cảm xúc của mình vào một hệ thống máy tính, cô cũng biết rằng có công tắc để đóng mở chính mình và nó chịu sự điều khiển từ người chồng cô. Lo lắng về chuyện này (và đúng là nó đã diễn ra như cách cô dự liệu), Cassandra đã uy hiếp một người đồng nghiệp của chồng để tạo cho mình một cái công tắc thật sự khác. Đó là lý do vì sao khi chồng cô hay gia đình Prill ngắt nguồn thì Cassandra vẫn có thể tự mình khởi động lại.
Hoá ra công tắc thứ hai này do chính cô con gái của Cassandra nắm giữ. Một đứa trẻ dị tật vì sai lầm của người bố và được nuôi dưỡng bí mật khỏi tất cả mọi người. Để đảm bảo có người chăm sóc cho con gái mình, Cassandra đã đặt một công tắt trong căn phòng của cô con gái. Vậy nên ngoài bi kịch mất cậu con trai ở đầu phim khiến Cassandra ngắt toàn bộ kết nối thì chỉ có công tắc trong phòng cô con gái mới có thể khiến robot này biến mất. Nó cho thấy tình yêu của người mẹ dành cho con cái to lớn thế nào.