Sau thời gian dài chờ đợi từ ‘Dunkirk’ 2017, đạo diễn Christopher Nolan đã quay lại với bom tấn ‘Tenet’ . Phải nói đây là bộ phim thú vị đến mức mà bạn chẳng muốn/dám rời màn hình một giây nào. Bài review này vừa là cảm nhận, vừa là sự sắp xếp một số mảnh ghép của bộ phim sau lần xem đầu tiên. Với ‘Tenet’ thì số điểm mà Koicine dành cho bộ phim sẽ là 8.5.
Tenet là có nội dung khá phức tạp, với các lớp tình tiết đan xen nhau, các khái niệm vật lý và thời gian sử dụng trong phim còn mới mẻ với khán giả. Vì vậy, bên dưới đây Koicine sẽ có một vài gợi ý để giúp bạn thưởng thức bộ phim trọn vẹn hơn.
Hãy tìm hiểu về 3 lý thuyết
Trước hết là về ba lý thuyết thời gian mà Christopher Nolan đề cập đến trong phim. Các thuyết này vừa có tính phản biện lẫn nhau, lại vừa không đồng nhất. Nên để dễ hiểu hơn khi xem thì bạn cần nắm các quy tắc:
- Thuyết entropy: thuyết này được giải thích ở những đoạn đầu phim, khi nhân vật chính tiếp xúc những vật bị biến đổi ngược. Lấy ví dụ đơn giản là khi bạn làm rơi quả trứng gà xuống đất, những mảnh vỡ sẽ chẳng thể nào gắn liền lại thành quả trứng gà như ban đầu được. Trừ khi bạn tạo được một môi trường lý tưởng nơi không có tác nhân nào làm hao hụt quá trình chuyển đổi của vật chất thì chuyện này mới khả thi. Một nhà khoa học nào đó ở tương lai đã làm được chuyện này, có thể đảo ngược dòng entropy cho một vật thể và đảo ngược dòng thời gian của vật thể đó về quá khứ, thời gian câu chuyện diễn ra.
- Thuyết thứ hai là Nghịch lý ông nội: thuyết này được đề cập để phản bác lại thuyết entropy bên trên. Nội dung thuyết này đại khái là “Có một người đàn ông du hành thời gian về quá khứ và giết ông nội mình trước khi ông mình cưới bà nội. Kết quả là cha của anh ta sẽ không được sinh ra, điều đó dẫn tới người đàn ông đó sẽ không bao giờ được ra đời thì làm sao anh ta có thể du hành về quá khứ. Nhưng nếu anh không về quá khứ để giết ông nội mình thì ông nội anh phải còn sống và điều đó nghĩa là anh vẫn được ra đời và có thể vượt thời gian để giết ông nội mình.” (Theo Wiki)
- Thuyết thứ ba Dòng thời gian là bất biến: thuyết này nói về việc du hành về quá khứ nhưng không thể thay đổi hoặc can thiệp vào các yếu tố ảnh hưởng đến tương lai. Ví dụ như nhà du hành muốn giết ông nội mình thì sẽ không thể có sự tồn tại của chính nhà du hành quay về quá khứ nữa. Do đó sẽ có những tác nhân khác cản trở như bắn trượt, súng hết đạn… để giữ tính lịch sử của dòng thời gian không bị ảnh hưởng.
Hiểu về lớp lang của câu chuyện
Về cốt truyện phim thì so với Inception (2010), độ hại não của Tenet có lẽ gấp 3 lần. Inception là câu chuyện của một người chơi và người xem đứng bên ngoài để có thể hiểu về quy tắc trò chơi. Nhưng trong Tenet, khán giả được đặt vào góc nhìn của nhân vật chính – một người chơi mới được chọn tham gia vào cuộc chiến của hai thế lực lớn. Vì vậy mà cuộc chiến trong Tenet dần trở thành trò chơi ba người, phức tạp hơn rất nhiều khi cả ba đều sử dụng quy tắc chuyển động ngược, tác động lẫn nhau.
Để hiểu hết những tình tiết và cách sắp xếp cho từng lớp truyện mà Nolan cài đặt, bạn buộc phải có cái nhìn toàn cảnh về tất cả những người chơi cũng như quy tắc mà trò chơi này vận hành. Gợi ý nhỏ về cấu trúc bộ phim này (có thể lướt qua đoạn này nếu bạn muốn tận hưởng trọn vẹn bộ phim hơn) sẽ là: bắt đầu câu chuyện (giới thiệu người chơi, luật chơi cơ bản, chủ yếu là về lý thuyết), một nhiệm vụ nhỏ để tìm hiểu rõ hơn về cách chơi, hai nhiệm vụ khác mạo hiểm hơn cho khán giả thấy rằng những người chơi mới đã bắt đầu hiểu rõ hơn các quy tắc phức tạp trong trò chơi này, tiếp đó sẽ là một cú lừa để nhân vật chính tỉnh táo, chủ động cuộc chơi hơn và vòng chiến đấu cuối cùng.
Nếu yêu thích các mảnh ghép của bộ phim, cá rằng bạn sẽ phải xem nó thêm vài lần nữa. Mỗi lần bạn sẽ lại khám phá thêm một điều mới mẻ khác, đó luôn là nét độc đáo của phim Nolan, bởi vì khi khám phá ra mọi thứ bạn sẽ ngạc nhiên và ngưỡng mộ cách mà ông kiến tạo nên bộ phim.
Những điểm cộng lớn của bộ phim
Về cốt truyện, sau khi xem xong có thể bạn sẽ cảm thấy có chút đồng cảm đến từ góc nhìn của các phe đối lập, hay của từng nhân vật. Những chi tiết bộc lộ tình cảm như vậy được sử dụng khá tiết chế nhưng đủ để khán giả có thể tưởng tượng và hình dung thêm về mỗi nhân vật này dưới góc nhìn của mình.
Dù có nhận định cho rằng phim hơi nghiêm túc nhưng Koicine cho rằng Tenet có lẽ là bộ phim “vui” nhất của Christopher Nolan từ trước đến giờ. Đó là kiểu hài hước thông minh được bộc lộ qua những câu thoại và hành động của các nhân vật. Nhất là những phân đoạn có Neil (Robert Pattinson) hay Michael Crosby (Michael Caine) xuất hiện. Trong khi Neil là một người thú vị, ở anh toát ra kiểu trộn lẫn giữa lộn xộn và kiểu cách thì Michael Crosby, dù xuất hiện ở một phân đoạn nhỏ nhưng cuộc đối thoại của anh với nhân vật chính (John David Washington) dường như là phân đoạn hài hước nhất.
Về diễn xuất của các diễn viên thì không thể chê được. Mỗi nhân vật đều có cá tính riêng biệt và họ đều thể hiện tốt vai trò của mình. John David Washington đã xây dựng nên nhân vật chính với hình tượng một người theo đuổi chủ nghĩa anh hùng và có niềm tin mạnh mẽ vào những lý tưởng tốt đẹp, anh không cầu kỳ, tự nhiên và gần gũi, luôn bình tĩnh trong tất cả các tình huống. Đối lập một cách mạnh mẽ với vai phản diện Andrei Sator (Kenneth Branagh), một kẻ bên ngoài mạnh mẽ nhưng bị những lo lắng, bất an và tuyệt vọng bên trong kiểm soát. Đây cũng là hai kiểu nhân vật đại diện cho hai luồng tư tưởng luôn xuất hiện trong phim của Nolan, sự giằng co giữa niềm tin vào cuộc sống và sự bi quan, u buồn đến tuyệt vọng, mà cả hai đều khá cực đoan khi đối diện với nhau.
Nhịp điệu phim khá nhanh, đúng như cảm giác khi xem các bộ phim về điệp viên. Các nhân vật liên tục lên kế hoạch hành động, liên tục di chuyển qua các địa điểm và thực thi nhiệm vụ. Bộ phim có lẽ sẽ dễ trở nên khô khốc và trống rỗng nếu không có những phân đoạn bộc lộ nội tâm của các nhân vật. Những chi tiết này trong phim khiến cho Tenet không đơn thuần chỉ là một phim phô diễn sự thông minh mà còn sâu sắc và giàu tình cảm. Có ba cảnh mà Koicine yêu thích, đó là cảnh Kat (Elizabeth Debicki), Sator và Neil chia sẻ nội tâm của họ với nhân vật chính. Tất cả những cảnh này luôn được đặt trong các khoảng lặng hợp lý, tập trung hoàn toàn vào những điều họ nói. Phong cách dựng phim này của Jennifer Lame thật sự là những điểm nhấn tuyệt vời, nó cũng làm cho diễn xuất của các diễn viên được bộc lộ rất nhiều.
Các cảnh quay trong phim vô cùng hoành tráng và đẹp mắt với những hình ảnh không gian trải rộng của vùng biển Amalfi, phòng hòa nhạc ở cảng Old Town và nhất là trang trại gió trên biển Nysted Wind Farm. Những hình ảnh cháy nổ được đầu tư hoành tráng nên cũng đem lại trải nghiệm rất thật.
Điểm trừ đáng tiếc của phim
Phần điểm bị trừ đi là chính là khâu biên tập âm thanh nhạc nền của phim. Sau khi đọc một số review khác của các nhà phê bình phim nước ngoài, vài người cũng phàn nàn về chuyện này nhưng mình không tin lắm. Một phim bom tấn được đầu tư lớn, lại là phim của một người cực kỳ kỹ tính như Christopher Nolan lại có vấn đề về âm thanh. Chuyện vô lý hết sức! Nhưng cảm nhận sau khi xem thì đúng như những đánh giá đã nói. Ấn tượng ở vài điểm sáng tạo trong cách dựng như: loại bỏ âm thanh ở những phân đoạn thoại không cần thiết để nhấn mạnh bối cảnh, âm thanh được tua ngược ở những cảnh hành động ngược thời gian và luôn tạo được không khí căng thẳng xuyên suốt phim thì vài phân đoạn khác, có cảm giác âm thanh bị kéo dài, nhạc nền lặp đi lặp lại nhàm chán (ồn, không hay) và thiếu tinh tế. Nếu không vì một lý do kỹ thuật nào khác ảnh hưởng thì với mình đây là điểm trừ lớn nhất của phim. (Có thể việc không trực tiếp làm việc cùng nhau ở vài khâu vì dịch bệnh hoặc tiếng ồn lớn khi quay phim bằng IMAX có ảnh hưởng đến chất lượng thu âm nhưng dù sao thì điều này chỉ là cảm nhận cá nhân và nó không phải là vấn đề gì quá lớn).
Sau một thời gian dài không có nhiều bộ phim mới ra rạp thì sự tự tin mà Christopher Nolan đã gửi gắm ở Tenet sẽ không khiến bạn thất vọng chút nào. Cá rằng bộ phim sẽ còn được bàn tán một thời gian dài nữa như cách mà các bộ phim trước đây của Nolan từng làm.
Phim sẽ được chiếu sớm vào ngày 27.08 và chính thức ra rạp vào ngày 28.08 tại các hệ thống rạp.
- Christopher Nolan bị các nhà làm phim phàn nàn về phần âm thanh trong phim ‘quá ồn’
- Trái ngược với phản ứng của nhà sản xuất, Christopher Nolan rất hài lòng với doanh thu của Tenet
Comments 2